Những động thái hung hăng và hiếu chiến của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông và Thái Bình Dương dường như đang chạm tới giới hạn chịu đựng của Mỹ. Những hành động mới đây của lực lượng hải quân Mỹ cho thấy, Nhà Trắng đã có biện pháp mạnh tay để đáp trả.

Kế hoạch 20 tỷ USD chặn Trung Quốc bành trướng

Dù đang bận đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng dường như giới chức chóp bu Mỹ vẫn không quên ở phía bên kia đại dương, Trung Quốc luôn trong tư thế rình mồi. Chính vì vậy, Mỹ đã chuẩn bị để kích hoạt một hệ thống đủ mạnh để răn đe những ý đồ của Trung Quốc.

Tờ Thanh Niên trích nguồn tin từ Defense News cho biết, mới đây Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) đã trình Quốc hội Mỹ bản chi tiết trong kế hoạch chi 20 tỷ USD nhằm mục đích chính nhằm răn đe hoạt theo động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trong báo cáo chi tiết này, Davidson đề ra chiến lược mới mang tên “Chiếm lại ưu thế”. Những gì được tiết lộ cho thấy, chiến lược này sẽ khiến kẻ thù tiềm ẩn của Mỹ khiếp đảm để không dám đưa ra một hành động quân sự phủ đầu. Vị đô đốc này cũng đưa ra nhiều kế hoạch răn đe linh hoạt để Lầu Năm Góc lựa chọn, bao gồm cả việc triển khai toàn bộ các chiến dịch nếu cần.

Một trong những ưu tiên hàng đầu là sẽ chi 1,67 tỷ USD đầu tư vũ khí sát thương cho lực lượng phòng không trên đảo Guam. Ngoài ra, tăng cường hỏa lực chính xác tầm xa như Tomahawk tấn công biển và tên lửa không đối đất JASSM-ER của không quân, hệ thống radar cao tần tại Palau giúp phát hiện các mục tiêu trên không và trên biển, radar phòng thủ ở Hawaii và hệ thống radar dựa trên vệ tinh để theo dõi các mối đe dọa toàn cầu.

Mỹ cũng dự kiến chi 2,87 tỷ USD để tiến hành các cuộc tập trận lớn trên toàn khu vực, tạo thế trận đồng minh mạnh mẽ trấn áp Trung Quốc. Khoảng gần 400 triệu USD cũng được chi cho hoạt động tăng cường quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước trong khu vực, tạo thành gọng kìm để cô lập kẻ thù tiềm ẩn.

Với Biển Đông, Hoa Kỳ cũng có những biện pháp mạnh mẽ để đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc đang leo thang. Theo tiết lộ của TS. Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), thì Hoa Kỳ vừa tăng cường NSM – một loại tên lửa tấn công loại mới nhằm tăng uy lực cho dàn tàu chiến cận bờ của Mỹ đang làm nhiệm vụ tại biển Đông. Với tầm bắn lên đến 300 hải lý (hơn 550 km), NSM nằm trong nhóm 5 tên lửa đối hạm đủ sức đánh chìm hầu hết các loại tàu chiến nổi. Với sự bảo vệ nhờ kết hợp giữa NSM và máy bay trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout, tàu chiến cận bờ đang được Mỹ sử dụng trong các nhiệm vụ mà trước đây thường được tiến hành bởi tàu khu trục hoặc tàu tuần dương. Điển hình là việc thực thi tự do hàng hải (FONOP) áp sát các thực thể, đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc vẫn bắt nạt

Phía Trung Quốc chưa lên tiếng về hành động mới của Mỹ, song vẫn tiếp tục các hành động quấy rối và “bắt nạt” quen thuộc trên Biển Đông. Mới đây nhất là vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam nhưng sau đó vu ngược lại rằng “tàu cá Việt Nam cố đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc”.

Tàu QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa (ảnh: Ngư dân chụp)

Hành động của Trung Quốc đang nhận phải sự chỉ trích thậm tệ từ báo giới quốc tế và Việt Nam. Với dòng tít “Đâm chìm tàu, bắt ngư dân Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục ‘chiến thuật vùng xám’”, tờ VTC News dẫn lời chuyên gia Biển Đông – PGS. TS Vũ Thanh Ca cho rằng, Bắc Kinh đang tiếp tục duy trì “chiến thuật vùng xám” quấy rối, bắt nạt nhằm làm suy giảm ý chí chiến đấu của các nước trong khu vực, từ đó nhằm từng bước chiếm trọn biển Đông.

Theo ông Ca, hành vi của Trung Quốc là “gắp lửa bỏ tay người” và rằng, Bắc Kinh hy vọng rằng với những hành động “côn đồ” sẽ làm nhụt chí các nước láng giềng, từ đó hiện thực hóa âm mưu thâm độc là chiếm toàn bộ Biển Đông.

“Trung Quốc lộ nguyên hình là một quốc gia không đáng tin cậy và không phải là “nước lớn” theo đúng nghĩa”, ông Ca khẳng định.

Trên VOA, Tiến sĩ luật Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới quốc gia Việt Nam nói rằng, hành vi của Bắc Kinh không mới. Họ thường sử dụng chiêu thức tung tin “vu khống” hay “đổ lỗi” cho phía Việt Nam trước khi thực hiện một hoạt động gây hấn hay xâm lấn trên Biển Đông. Tuy nhiên, những động thái quyết liệt của Trung Quốc gần đây cho thấy Bắc Kinh đang có “mưu toan rất lớn”, không chỉ ở Biển Đông mà cả trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực, thì “Việt Nam sẽ ứng xử lại bằng hành động chứ họ không nói nhiều nữa đâu”. Cả ông Trục và ông Hợp đều cho rằng, Việt Nam lần này có phản ứng chủ động và dường như đã tính trước hành động của Trung Quốc. Một minh chứng là, phản ứng công khai của phía Việt Nam gần như diễn ra ngay lập tức, khác hẳn với những lần khác trong quá khứ. Điều đó có thể cho thấy phía Việt Nam sẽ có thể có “biện pháp mạnh mẽ có thể qua pháp lý, đấu tranh chính trị lẫn thực tế” như dự đoán của Tiến sĩ Trục.