Với tư cách là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, Nga nêu khả năng nước này sẽ chỉ xuất khẩu nông sản tới các quốc gia thân thiện.

Theo Reuters, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev ngày 1/4 tuyên bố rằng Nga “sẽ chỉ cung cấp các thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp cho các quốc gia bạn bè. May mắn thay, chúng tôi có rất nhiều bạn bè như vậy, nhưng không ở châu Âu hay Bắc Mỹ”.

Ông Medvedev cho biết nguồn cung nông nghiệp cho “bạn bè” sẽ thực hiện bằng đồng ruble và cả đơn vị tiền tệ của các nước này theo tỷ lệ thỏa thuận.

Theo Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, nước này vẫn ưu tiên cung cấp lương thực cho thị trường nội địa và kiểm soát giá cả trong nước. Nga đã đặt hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc và thuế từ năm 2021 nhằm mục đích ổn định lạm phát lương thực tăng cao trong nước.

Tuyên bố của ông Medvedev được đưa ra sau khi Moscow yêu cầu các nước không thân thiện phải mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Những quốc gia bị Nga coi là “thiếu thân thiện” bao gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Nga cấm hầu hết thực phẩm nhập khẩu của phương Tây vào năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, song có thể mở rộng danh sách này hơn nữa vào hiện tại, ông Medvedev nói thêm.

Các chuyên gia lo ngại rằng kết quả của cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ khiến giá lương thực trên thế giới tăng mạnh. Ukraine từng là một trong những nhà xuất khẩu lúa mì chính, sang châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hiện tại, các cảng của Ukraine trên Biển Đen và Biển Azov, nơi có một lượng lớn ngũ cốc xuất khẩu đi qua, đang bị Nga phong tỏa.

Nga cung cấp 18% lượng lúa mì và 39% lượng dầu hạt cải cho thế giới. Nếu Nga hạn chế xuất khẩu các mặt hàng này hoặc thế giới từ chối nhập mặt hàng này từ Nga, điều đó có thể làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu, theo Washington Post.