Nga đang giăng bẫy ở Kherson?
Trong một diễn biến lớn đang được truyền thông dòng chính phương Tây ca ngợi là chiến thắng cho cuộc phản công của Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, tổng chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine, đã tuyên bố rút quân khỏi Kherson.
Tướng Surovikin nói: “Chúng tôi sẽ cứu mạng sống của binh lính và năng lực chiến đấu của các đơn vị của chúng tôi. Giữ họ ở hữu ngạn [của sông Dnepr] là vô ích. Một số trong số họ có thể được điều động tới các mặt trận khác”. Trước đó Nga đã thực hiện một cuộc sơ tán dân thường rất lớn và rất công khai.
Tờ Washington Post và một số kênh truyền thông khác chỉ ra rằng, đây dường như là một “cuộc rút lui hoàn toàn” khỏi một thành phố chiến lược trên Biển Đen mà Nga đã kiểm soát từ hồi đầu tháng 3.
Tờ này đưa tin như sau: “Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Tư rằng quân đội Nga đang rút lui về phía đông sông Dnepr theo hướng rút lui hoàn toàn khỏi thành phố Kherson…
“Động thái này là một bước lùi lớn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã tuyên bố sáp nhập khu vực Kherson.”
Thực tế, tầm quan trọng chiến lược của Kherson không thể bị đánh giá thấp, do có đường biên giáp với Crimea và đã đóng vai trò như một “cầu nối trên bộ” và kênh hậu cần quan trọng của Nga trong suốt Chiến dịch quân sự đặc biệt.
Mất Kherson đồng nghĩa có thể tước đi hành lang đất liền quan trọng này của người Nga, đồng thời đặt bán đảo Crimea vào tầm bắn trực tiếp của pháo binh và tên lửa Ukraine.
Một số quan chức Ukraine và các phóng viên truyền thông nước này đã ca ngợi việc Nga rút lui như một “chiến thắng tuyệt đối của Ukraine”.
Đối với Mỹ và các đồng minh, đây được cho là tổn thất lớn nhất của người Nga kể từ khi cuộc chiến kéo dài hơn 8 tháng bắt đầu. Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước Nga cũng công khai thừa nhận đây là “quyết định khó khăn” đối với Kherson trong một cuộc họp cấp cao nhất của Bộ Quốc phòng Nga.
Tướng Surovikin trong cuộc họp báo trên truyền hình hôm thứ Tư (9/11) cũng nói rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào nhà máy và đập thủy điện Kakhovskaya có thể gây ra thảm họa cho dân thường trong khu vực.
Kênh sputnik news của Nga đưa tin về phát biểu của tướng Surovikin như sau: “Sẽ có thêm một mối đe dọa đối với dân thường và sự cô lập hoàn toàn lực lượng của chúng tôi ở hữu ngạn sông Dnepr. Trong những điều kiện này, lựa chọn hợp lý nhất là thiết lập phòng thủ dọc theo hàng rào của sông Dnepr.
Ông nói thêm rằng, việc xả nước ồ ạt qua con đập của nhà máy thủy điện Kiev và nhà máy thủy điện ở hạ lưu, mà Ukraine đã thực hiện kể từ ngày 10/10, cũng là một nguyên nhân gây lo ngại về lũ lụt có thể xảy ra ở cả hai bờ sông Dnepr”.
Tuy nhiên, một tuyên bố từ văn phòng tổng thống Ukraine cho thấy cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra dữ dội tại Kherson, và đây có thể là một cuộc rút lui “được dàn dựng” của người Nga.
Tuyên bố mới đây của cố vấn hàng đầu của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak cho thấy cuộc chiến ở Kherson vẫn còn rất khốc liệt.
Thật vậy, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi: Tại sao Bộ Quốc phòng Nga lại đưa ra một tuyên bố công khai, thậm chí có phần yếu nhược trước các ống kính truyền hình khi thông báo về việc rút lui đáng kể của hơn 40.000 binh sĩ Nga tại Kherson?
Tuyên bố mới của Ukraine từ văn phòng tổng thống cho thấy chính quyền Kiev vẫn rất cảnh giác với một cái bẫy do người Nga đang giăng ra cho họ, bởi Ukraine đã từng phải nếm trải dư vị đắng ngắt này.
Thực tế, các cuộc phản công tại Kherson của lực lượng Ukraine đều thất bại và chịu tổn thất nặng nề ngay từ hồi đầu tháng 9. Người Nga đã nhiều lần thực hiện các cuộc rút lui, song mỗi lần như vậy phía Ukraine lại bị các đòn tấn công bất ngờ ngay sau đó. Vì sao lại như vậy?
Bởi người Nga đã thực hiện các cuộc rút lui chiến thuật, với mục tiêu kéo lực lượng Ukraine vào rốn hỏa lực trên một thảo nguyên rộng mở mà không có bất kỳ hệ thống nào che chắn như tại Kherson. Lưu ý là quân đội Ukraine vốn thường hoạt động tác chiến quanh các hầm trú ẩn đặt trong rừng, hoặc tại các đô thị lớn, như trà trộn trong các khu dân cư để tấn công lực lượng Nga.
Lực lượng hàng không Nga, bao gồm cả UAV và tên lửa đã thể hiện hiệu quả cao, cùng với pháo binh đã khiến tổn thất hàng ngày của lực lượng Ukraine lên tới 600 đến 1.000 thiệt mạng và bị thương theo lời tướng Surovikin.
Không chỉ giăng bẫy ở Kherson, tại khu vực Kharkov, nơi Lực lượng Ukraine tập hợp một đội quân đông đảo để tấn công các thị trấn và làng mạc mà người Nga đã rút lui theo chiến thuật “vườn không nhà trống” để mời gọi phía Ukraine sập bẫy với hệ thống phòng thủ trơ xương.
Một lần nữa, phía Ukraine đã xông pha vào một bình địa trống trải, phơi mình trước hỏa lực pháo binh và các cuộc không kích từ lực lượng Nga.
Chiến thuật rút lui này của Nga vừa tiêu hao một số lượng lớn lực lượng Ukraine, vừa giảm thiểu tổn thất của họ bằng cách tránh giao tranh trên bộ. Không chỉ những lính nghĩa vụ Ukraine không may thiệt mạng, mà cả những lính đánh thuê của NATO mặc quân phục Ukraine cũng phơi thân trên chiến trường, nhưng truyền thông phương Tây luôn lảng tránh đề cập đến.
Về phía Nga, điều gì đã khiến họ đưa ra một quyết định rút lui khỏi Kherson như vậy, và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chiến dịch quân sự mùa đông năm 2023?
Ukraine chịu tổn thất to lớn
Kherson gần đây đã trở thành một phần không thể thiếu của Nga. Ngày 30/9, Tổng thống Putin đã ký các thỏa thuận về việc đưa các vùng lãnh thổ mới vào Nga, trong đó có vùng Kherson. Khu vực này được sáp nhập sau một cuộc trưng cầu dân ý, được tổ chức từ ngày 23 đến 27/9. Vào thời điểm đó, 87,05% cử tri ủng hộ việc gia nhập Liên bang Nga.
Ngay từ trung tuần tháng 10, tướng Surovikin đặc biệt nhấn mạnh rằng, các hành động tiếp theo ở khu vực Kherson sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến thuật-quân sự đang phát triển. Hơn nữa, vị tư lệnh lưu ý rằng, tình hình hoạt động tại Kherson không hề dễ dàng.
Tướng Surovikin nêu bằng chứng cho thấy tại khu vực Kherson, các lực lượng Ukraine có thể sử dụng các phương pháp chiến tranh bị cấm như bom bẩn. Đặc biệt, với sự trợ giúp của tên lửa HIMARS của Mỹ, cầu Antonovsky và con đập của nhà máy thủy điện Kakhovskaya đã bị hư hại.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu hôm 9/11, tướng Surovikin cho biết Lực lượng Ukraine đang tấn công vào các bệnh viện, trường học và dân thường được sơ tán sang phía bên kia sông Dnepr. Tuy nhiên có tới 90% số tên lửa này đã bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ. Giờ đây, lực lượng Nga đã di tản hơn 100.000 người dân rời Kherson, với lo ngại phía Ukraine có thể gây ra một thảm họa nhân đạo trong khu vực.
Trong những điều kiện này, tướng Surovikin nói thêm, thành phố Kherson và các khu định cư liền kề không còn an toàn và cuộc sống của người dân thường xuyên gặp nguy hiểm do pháo kích của Ukraine.
Tướng Surovikin cũng nói với Bộ trưởng Shoigu rằng, kể từ tháng 8, phía Ukraine đã mất hơn 9.500 quân nhân trong các cuộc tấn công ở hướng Nikolaev-Kryvyi Rih.
Theo ông, tình hình trong khu vực nhìn chung đã ổn định, quân đội Nga đã ngăn chặn các nỗ lực tiến công của quân đội Ukraine trên các hướng Kupyansky và Krasnolimansky, đồng thời cuộc tấn công giải phóng Marinka và Pervomaisky đang phát triển thành công,” và theo hướng Yuzhnodonetsk, “việc giải phóng khu định cư Pavlovka đang được hoàn thành.”
Tình hình Kherson cũng được một số nhân vật chính trị cấp cao Nga nhận định như sau:
Franz Klintsevich, lãnh đạo của Tổ chức Công cộng toàn Nga thì tin rằng quyết định rút lui tại Kherson để bảo toàn lực lượng Nga thực hiện nhiệm vụ chính là tiêu diệt kẻ thù trong điều kiện mùa đông, xây dựng sức mạnh và đánh bại Lực lượng Ukraine.
Ông nói: “Là một quân nhân, tôi hiểu rất rõ rằng quyết định rút quân sang phía bên kia sông Dnepr là do những nhiệm vụ chiến lược đã đặt ra trước mắt. Chúng tôi thẳng tiến tới mặt trận và cung cấp cho mình một hàng thủ đáng tin cậy. Ngoài ra, chúng tôi không vội vàng, bởi vì chúng tôi hiểu rằng trong tình huống này, thời gian đang đứng về phía chúng tôi”.
Theo ông, các nước NATO đang có những nỗ lực to lớn trên toàn bộ chiến tuyến, nhưng người Nga sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình và “các vùng đất thuộc khu vực Kherson sẽ được giải phóng.” Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một dàn xe bọc thép lớn của Ukraine trên hướng Kherson, trong đó có xe bọc thép VAB của Pháp và Husky của Anh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm khi quan sát khu vực Kharkiv cho thấy: “Thứ nhất, những nỗ lực đột phá không mang lại lợi ích gì cho đối thủ Ukraine. Thứ hai, phía Ukraine chịu tổn thất quá lớn, định đánh vào nhà máy thủy điện Kakhovskaya với hy vọng có một trận lũ lớn. Đối với chúng tôi một rủi ro như vậy là không thể tưởng tượng được nếu xét từ quan điểm nhân đạo. Vì vậy, quyết định rút quân là điều không dễ dàng, nhưng là một quyết định đúng đắn”.
Trong khi ấy Dmitry Perminov, thành viên của Ủy ban Hội đồng Liên đoàn về Quốc phòng và An ninh Nga cho biết: “Di dời từ hữu ngạn sang tả ngạn sông Dnepr là một quyết định triệt để và kịp thời, bởi vì kẻ thù có thể thực hiện một cuộc tấn công khủng bố tại nhà máy thủy điện Kakhovskaya, và sau đó buộc chúng ta phải đối mặt với một trận lũ lớn vào cuối mùa thu và mùa đông này”.
Theo ông Dmitry Perminov, trận lụt có thể cắt đứt hoàn toàn khả năng vận chuyển không chỉ thiết bị và đạn dược từ bờ bên này sang bờ bên kia, mà còn cả các nguồn cung cấp thuốc men, thực phẩm và nhiều thứ khác nữa.
Nghị sĩ Nga này nhấn mạnh rằng, “Thời gian đóng vai trò quan trọng đối với nước Nga.” “Mặc dù NATO nói rằng họ sẽ không từ chối hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine, nhưng sự mệt mỏi của phương Tây là đã khá rõ ràng. Khủng hoảng vẫn chưa dịu đi ở các nước châu u, giá năng lượng tăng, lạm phát tăng, giá lương thực tăng. Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh điên cuồng với Nga trong mắt các công dân EU trông hoàn toàn không phù hợp”.
Ngoài ra, các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Ukraine đã làm suy yếu đáng kể khả năng cung cấp viện trợ cho lực lượng Ukraine.
Tối 9/11, Tổng thống Zelensky đã xác nhận thủ đô Kiev và 15 khu vực của Ukraine đã bị mất điện hoàn toàn.
Trong khi đó, tập đoàn Năng lượng Quốc gia Ukraine là Ukrenergo đã thông báo trên Telegram rằng, tình trạng mất điện toàn bộ sẽ được áp dụng trên toàn Ukraine vào hôm nay (ngày 10/11). Những khu vực bị mất điện nặng nề nhất bao gồm thủ đô Kiev, Chernihiv, Cherkasy và Zhytomyr.
Cũng trong ngày 9/11, ông Dmitry Sakharuk- giám đốc công ty năng lượng DTEK, tuyên bố Ukraine sẽ không thể khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hại trong hai tuần.
Rất có thể số phận của Kherson sẽ quyết định cho hướng đi dẫn tới các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai. Những ngày trước đó, người Nga bận rộn sơ tán dân thường ra khỏi Kherson và sau khi kết thúc đợt di dời dân chúng đến địa điểm an toàn, lực lượng Nga lại tuyên bố rút lui khỏi khu vực này. Có điều gì kỳ lạ ở đây? Câu trả lời chỉ có Tổng thống Putin và nhóm thân cận của ông mới biết được. Nên nhớ là, chính phía Ukraine nhiều lần tuyên bố rằng, người Nga không bao giờ chịu rút lui khỏi Kherson.
Có thể bạn quan tâm: