Có những tín hiệu cho thấy có sự thay đổi lớn trong cách Nga thực hiện “chiến dịch đặc biệt” của mình ở Ukraine. Phải chăng Mỹ và NATO đang toan tính điều gì và Nga đã phán đoán trước để tung đòn phủ đầu?

Ngoài việc xác nhận các cuộc trưng cầu dân ý trên các vùng bị chiếm đóng của Ukraine, Nga đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu an ninh của nước này bị đe dọa.

Chiến trường Ukraine trong những ngày qua có thể nói là kịch tính nhất trong gần 7 tháng giao tranh. Liệu Nga sẽ đối phó thế nào với một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngày càng leo thang với Mỹ và NATO?

Nga điều động quân đội một phần để làm gì?

Trong bài phát biểu trên truyền hình trước hàng triệu người dân Nga vào sáng  21 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tổng động viên một phần lực lượng dự bị, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ 2, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng, Moscow sẽ đáp trả mọi mối đe dọa bằng tất cả kho vũ khí của nước này. 

Ông Putin gọi các động thái này là “các bước khẩn cấp, cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Nga”. 

Tổng thống Nga nói: “Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân của chúng tôi, tôi khẳng định đây không phải là một trò đùa”. 

Tổng thống Putin cũng nói rằng Nga đang chiến đấu với toàn bộ sức mạnh của NATO và Mỹ cùng các đồng minh đang tìm cách “tiêu diệt” nước Nga. Ông cho biết thêm, NATO đã hỗ trợ các phần tử khủng bố quốc tế, thúc đẩy các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng gần biên giới của Nga, để khiến người Nga phải sợ hãi.

Ông Putin cũng tuyên bố về cam kết sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine hiện do quân đội Nga kiểm soát, bao gồm các tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Putin cho biết chính phủ của ông sẽ tôn trọng kết quả của 4 cuộc trưng cầu dân ý. 

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng tuyên bố rằng, điều kiện chiến trường ở Ukraine là “khó khăn”, khi ông nói: “Chúng ta đang chiến đấu với phương Tây tại Ukraine. Gần như tất cả các nước vệ tinh của NATO đang chống lại Nga tại Ukraine”.

Ông cũng nói thêm về các mối đe dọa hạt nhân rằng: “Tất cả các loại vũ khí, bao gồm cả bộ ba hạt nhân, đều đang sẵn sàng chờ lệnh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết sẽ huy động 300.000 quân dự bị, chủ yếu là quân nhân giải ngũ.  Ông cũng thông báo, tính đến nay đã có 5.937 binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến ở Ukraine, không bao gồm lực lượng dân quân của hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk và Donetsk. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, tổn thất của Ukraine là khoảng 62.000 binh sĩ thiệt mạng và khoảng 50.000 người bị thương. 

Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Putin, cổ phiếu ở châu Âu đồng loạt giảm xuống mức tồi tệ, đồng euro giảm xuống dưới 0,99% so với đồng đô la.

Trong khi ấy, Thông tấn Xã TASS dẫn lời người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia Nga về các vấn đề quốc tế cho biết: “Các cuộc đàm phán với Ukraine sẽ trở nên bất khả thi sau khi khu vực Donbass gia nhập Nga”. 

Nhiều quốc gia trên toàn cầu đã nhanh chóng phản ứng, đặc biệt là Trung Quốc, đã đưa ra tuyên bố kêu gọi “ngừng bắn thông qua đối thoại” chỉ vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Putin. 

Trong suốt cuộc xung đột, Trung Quốc đã ủng hộ mối quan ngại an ninh của Nga về sự mở rộng của NATO, trong khi tiếp tục thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, tích cực với Moscow.

Đây có lẽ là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy ngừng bắn một cách rõ ràng và công khai sau một tuyên bố quan trọng như vậy của Moscow, cho thấy mức độ cuộc chiến đang leo thang nguy hiểm. 

  • Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Putin, Tổng thống Ukraine Zelensky đã thông báo tình hình chiến trường cho thấy thế chủ động thuộc về Ukraine, và cho biết lập trường nước này không thay đổi ngay cả khi Nga tuyên bố huy động lực lượng dự bị. 
  • Washington thì nhanh chóng đáp trả tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga, với việc Đại sứ Mỹ tại Ukraine Bridget Brink trả lời trên Twitter rằng: “Các cuộc trưng cầu dân ý và huy động lực lượng là dấu hiệu của sự yếu kém, của sự thất bại của Nga. Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận tuyên bố của Nga về việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine một cách có chủ đích, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể.”
  • Trong khi ấy, Liên minh châu Âu đã phản ứng khi nhấn mạnh đây là “canh bạc hạt nhân rất nguy hiểm” của Putin. Phát ngôn viên chính sách đối ngoại của Ủy ban châu Âu, Peter Stano nói:

“Đây chỉ là một bằng chứng khác cho thấy ông Putin không quan tâm đến hòa bình, rằng ông ấy quan tâm đến việc leo thang cuộc chiến tranh xâm lược này”.

“Đây cũng là một dấu hiệu khác cho thấy sự tuyệt vọng của ông ấy với cách thức gây hấn của ông ta đối với Ukraine … ông ta chỉ quan tâm đến việc tiến xa hơn và tiếp tục cuộc chiến tranh phá hoại của mình, vốn đã gây ra rất nhiều hậu quả tồi tệ trên toàn thế giới.”

Về viễn cảnh leo thang, đã có bằng chứng trong tuần qua cho thấy các lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine như hệ thống mạng lưới điện, cầu cống và đập nước. 

Nhưng truyền thông phương Tây đã phớt lờ việc Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc về các cuộc tấn công có hệ thống của Ukraine vào cơ sở hạ tầng điện của thành phố Donetsk, và nhiều nơi khác, trong đó có thành phố Belgorod của Nga, cách biên giới Ukraine vài dặm về phía bắc.

Tín hiệu chiến tranh leo thang

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ở bên cạnh Tổng thống Putin đã  khiến các chuyên gia quân sự suy đoán rằng, thế giới sắp chứng kiến nước Nga bước vào một cuộc chiến thực sự. 

Đã có nhiều tín hiệu bất thường trước thời điểm diễn ra bài phát biểu điều động quân đội của Tổng thống Putin hôm 21/9. Trong đó có những sự kiện đáng lưu ý sau đây:

  1. Thứ nhất: Ngày 20/9, nghị viện của hai nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk bất ngờ yêu cầu chính quyền của họ ngay lập tức tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập Liên bang Nga. 

Ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk nói rằng, “mọi người đã chờ đợi một cuộc trưng cầu dân ý ở đây từ lâu và đó có thể sẽ là một động thái chính trị giúp đảm bảo an toàn cho dân thường”.

Trong khi ấy, các nhà chức trách tại Cộng hòa nhân dân tự xưng Luhansk thông báo, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức từ ngày 23 đến 27 tháng 9.

  1. Thứ hai: Cũng trong ngày 20/9, Duma Quốc gia Nga  đã nhất trí thông qua các sửa đổi, bao gồm việc đưa các khái niệm “động viên” và “thời chiến” vào Bộ luật Hình sự, cũng như quy định trách nhiệm về ‘cướp bóc’ và ‘tự nguyện đầu hàng’.

Theo đó, sẽ tăng hình phạt tù đối với các tội danh ‘tự nguyện đầu hàng’, ‘cướp bóc’, hoặc ‘không thực hiện mệnh lệnh quân đội’ trong thời gian động viên, thiết quân luật và chiến tranh. Các công ty từ chối sản xuất trang thiết bị cho quân đội cũng sẽ bị xử phạt. 

  1. Thứ ba là Tổng biên tập của hãng tin RT là bà Margarita Simonyan đã đưa ra dự đoán đáng lo ngại như sau: “Theo những gì đang xảy ra và sắp xảy ra, tuần này đánh dấu thời khắc chiến thắng sắp tới của chúng ta, hoặc thời khắc chuyển sang chiến tranh hạt nhân. Tôi không thấy có sự lựa chọn nào khác”. 

Bà Margarita Simonyan  cho biết, các cuộc trưng cầu dân ý là một dấu hiệu cho thấy những hành động kịch tính hơn sắp tới, với việc Tổng thống Putin đã chọn một con đường mới nguy hiểm hơn. Đó là “một tối hậu thư rõ ràng từ phía Nga đối với Ukraine và phương Tây: Hoặc rút lui hoặc chiến tranh hạt nhân”.

  1. Thứ tư là Tổng thống Putin đã có cuộc họp với các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng, trong đó ông đề cao năng lực vũ khí được Nga triển khai ở Ukraine, và nhấn mạnh rằng nhiều khí tài mới đang được thử lửa trong chiến sự.

Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhiều lần nhận định kho tên lửa của Nga sắp cạn kiệt. Tuy nhiên, trong gần 7 tháng giao tranh, phía Nga gần như ngày nào cũng tuyên bố sử dụng tên lửa và vũ khí chính xác cao tập kích các mục tiêu quân sự của Ukraine, trong đó có tên lửa đạn đạo và hành trình của tổ hợp Iskander.

Chính điều này đã khiến tình báo phương Tây trở nên hoang mang.

  1. Và cuối cùng là thông tin Nga chuyển hệ thống tên lửa phòng thủ cũ ở thành phố St.Petersburg cho mặt trận Ukraine. 

Đài truyền hình Yle của Phần Lan trong một báo cáo điều tra được công bố hôm 18/9 cho biết, quân đội Nga đã thực hiện bước đi chưa từng có trong việc di chuyển các hệ thống tên lửa phòng không cũ, tới các khu vực bị chiếm đóng tại Ukraine. 

Chuyên gia quân sự Phần Lan Marko Eklund nói rằng, ít nhất 4 cơ sở lắp đặt tên lửa phòng không bao quanh thành phố St.Petersburg của Nga đã “không có thiết bị” kể từ tháng 8 cho tới đầu tháng 9.

Tuy nhiên chuyên gia này giải thích là “Nhiều khả năng thiết bị bị loại bỏ chủ yếu từ hệ thống S-300 cũ”, và khả năng phòng không của St.Petersburg vẫn còn nguyên vẹn do khoảng 10 bệ bắn được chuyển đi đều là có công nghệ cũ, ít tiên tiến hơn

Theo chuyên gia Marko Eklund, các thiết bị tên lửa này có thể đã bị loại bỏ, vì  lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-400 mới hơn.

Như vậy có thể thấy, mọi diễn biến từ việc thay đổi chính sách, sửa đổi luật cho đến việc tăng cường quân số và thuyên chuyển vũ khí đều được phía Nga cấp tập triển khai trong những tuần vừa qua. Cho thấy, có vẻ như Nga đang sắp nhanh chóng “đáp trả” cuộc phản công của Ukraine, báo hiệu cuộc xung đột đã lên một tầm cao mới, nguy hiểm và đầy rủi ro hơn. 

Cái cớ hoàn hảo để Nga tung đòn trả đũa

Truyền thông phương Tây cho rằng, các cuộc phản công của Ukraine ở phía đông, có thể đã giúp Moscow đẩy nhanh hơn tiến độ sáp nhập các vùng lãnh thổ của nước này vào Nga. 

Thêm nữa, các cuộc trưng cầu dân ý trên lãnh thổ bị chiếm đóng cũng sẽ đảm bảo hơn cho các bên tham chiến, rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giờ đây không còn là một lựa chọn ưu tiên nữa.

Tờ Bloomberg nhấn mạnh rằng, việc trưng cầu dân ý tại Ukraine có thể làm thay đổi động lực chiến trường, “bằng cách biến các khu vực bị chiếm đóng chính thức trở thành một phần của Nga theo luật của nước này. Các cuộc bỏ phiếu cũng có thể cho phép Điện Kremlin triển khai lính nghĩa vụ ở đó, bên cạnh lực lượng lính hợp đồng và các nhà thầu quân sự”.

Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là nếu hai khu vực Cộng hòa Nhân dân tự xưng Luhansk và Donetsk bỏ phiếu trở thành một phần của nước Nga và được Nga chấp nhận, thì bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào hai khu vực trên sẽ là hành động chiến tranh chống lại Nga. 

Điều đó cũng đồng nghĩa là ‘Chiến dịch quân sự đặc biệt’ mà Nga hiện đang tiến hành, có thể sẽ thay đổi thành một thứ gì đó nghiêm trọng hơn. Nga có thể tuyên bố xung đột trở thành một cuộc chiến, và sau đó có thể điều động lính nghĩa vụ, huy động lực lượng dự bị và sử dụng toàn bộ kho vũ khí của mình để chống lại Ukraine, mà chính xác hơn là NATO. 

Bằng chứng rõ nét cho nhận định này chính là việc Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev nói rằng, các cuộc trưng cầu dân ý sẽ giúp bảo vệ người dân nhiều hơn khỏi các cuộc tấn công của Ukraine, và lấn chiếm lãnh thổ Nga sẽ cho phép  nước này sử dụng tất cả các lực lượng vũ trang và vũ khí tự vệ.

Cho đến nay, lực lượng chiến đấu chính tại khu vực Donbass bao gồm các vùng Luhansk và Donetsk, đa phần là các dân quân ly khai thân Nga. Việc biến những vùng lãnh thổ này của Ukraine vào Nga, sẽ mở ra cánh cửa cho sự gia nhập ‘hợp pháp’ của lính nghĩa vụ chính quy Nga, và thậm chí là Nga có thể đặt các căn cứ quân sự thường trực tại đây. 

Việc Tổng thống Putin tuyên bố điều động một phần lực lượng quân đội cho thấy “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đã thay đổi, khi chỉ ít ngày trước đó, hôm 16/9, nhà lãnh đạo Nga vẫn nhận định cục diện chiến trường về cơ bản không thay đổi, và lực lượng Nga không cần hành động ‘vội vã’ ở Ukraine. 

Việc thay đổi chiến thuật này chỉ trong vòng 4 ngày cho thấy đây không phải điển hình cho cách làm thông thường của Tổng thống Putin.

Nhiều khả năng, tình báo Nga đã nhận được thông tin về một số hệ thống vũ khí mà Mỹ đang bí mật cung cấp cho Ukraine. Đó có thể là tên lửa hành trình có tầm bắn vài trăm kilomet, hoặc các loại vũ khí khác có thể đe dọa nghiêm trọng đến các thị trấn và thành phố của Nga.

Cần lưu ý trong bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, ông nói rằng: “Phương Tây không muốn hòa bình giữa Nga và Ukraine. Họ đã vượt qua mọi giới hạn khi chống lại Nga”. 

Việc Nga động viên một phần lực lượng quân đội trong số 2 triệu quân dự bị của nước này, có thể sẽ làm thay đổi đáng kể cuộc xung đột ở Ukraine, nếu Moscow tiến hành một cuộc phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát một số vùng chiến lược ở miền Nam và Đông Ukraine.

Việc đào tạo một lực lượng huy động như vậy sẽ mất khoảng ba tháng trước khi Nga có thể đưa bộ binh ra chiến trường. Như vậy có thấy, Nga đã xác định rõ sẽ tiến hành một cuộc chiến lâu dài ở cả mặt trận kinh tế lẫn chiến trường.

Tất cả đều diễn ra vào giữa MÙA ĐÔNG châu Âu – thời điểm khắc nghiệt mà các lực lượng Nga có thể hoạt động tốt hơn bất kỳ đội quân nào trên thế giới.

Châu Âu u ám: Chiến tranh tiêu hao có lợi cho Nga

Có một cụm từ phù hợp nhất để mô tả vị thế hiện nay của Moscow, Washington và Kyiv liên quan đến cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay: Đó chính là các bên đều Không muốn thỏa hiệp. 

Gần 7 tháng của cuộc xung đột, Nga và Ukraine không có cách nào để ngồi vào bàn đàm phán, và diễn biến cho thấy mỗi ngày tình hình càng trở nên leo thang căng thẳng hơn. 

Trong bài phát biểu sáng ngày 21/9, Tổng thống Putin cáo buộc chính quyền Kiev đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán hòa bình, và hành động leo thang theo lệnh trực tiếp từ các đồng minh phương Tây. 

Ông Putin nói rằng, thay vì đàm phán, chính phủ Ukraine đã tăng cường quân sự với các binh sĩ do NATO huấn luyện, nhiều người trong số đó là những phần tử cực đoan tân phát xít.

Tuy nhiên, ngoài sự thờ ơ, không muốn thỏa hiệp ở cả phía Mỹ – Nga và Ukraine, còn phải dùng tới một cụm từ khác để giải thích thái độ kém nhiệt tình của các quốc gia châu Âu: Đó là sự Cam chịu. 

Châu Âu tỏ ra cam chịu cho số phận hẩm hiu của mình, nơi mà việc ủng hộ cuộc chiến leo thang đang dẫn họ đến con đường lụi tàn về mọi mặt, kinh tế, chính trị và xã hội…. 

Điều này có thể thấy rõ trong bài phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây, khi ông tuyên bố rằng Pháp đang ở “điểm giới hạn” của mình. 

Theo Tổng thống Macron, hạn hán, hỏa hoạn, bão tố và chiến tranh đang đưa nước Pháp và châu Âu đến bờ vực của thảm họa. Toàn bộ bài phát biểu của ông chứa đựng sự buồn bã và đầy u ám, đến mức có thể khiến tinh thần của người dân Pháp xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Hơn nữa, cảm giác diệt vong mang tính điềm báo dường như đang ám ảnh châu Âu, với nền kinh tế có nguy cơ sụp đổ, và chưa kể nỗi ám ảnh của vũ khí hạt nhân. 

Thành thật mà nói, cả Nga và Ukraine đều không thực sự muốn cuộc chiến này xảy ra.

Như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Black đã nói: “Quyết định chiến tranh được đưa ra ở Washington, quyết định tấn công được đưa ra ở Nga. Nhưng một khi chúng tôi đã quyết định tiến hành chiến tranh, quyết định tấn công là không thể tránh khỏi.”

Rõ ràng chiến sự tại Ukraine không còn ở cấp độ của một xung đột mà là một “cuộc chiến tranh” thật sự. Có một điều mà dân chúng thế giới ít biết đến, rằng những gì đang diễn ra trên đấu trường Ukraine là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga không chỉ bây giờ, mà đã ấp ủ trong suốt một phần tư thế kỷ kể từ khi NATO bắt đầu bành trướng về phía đông và bao vây Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. 

Nước Nga non trẻ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi dung túng cho sự can thiệp của giới tinh hoa theo Chủ nghĩa toàn cầu vào Ukraine trong một thời gian dài, cho đến khi NATO tiến sát ngay trước cửa nhà của họ.

Khi chính quyền Tổng thống Zelenski từ chối nhượng bộ và đóng mọi cánh cửa đàm phán, điều đó đồng nghĩa họ đang mạo hiểm đưa toàn bộ đất nước của mình vào thế nguy hiểm, thay vì cuộc xung đột cục bộ ở Donbass thì chiến sự đã lan ra cả miền đông và miền nam. 

Không có bất kỳ giải pháp hòa đàm nào được đưa ra, và chừng nào Mỹ, NATO, và EU tiếp tục gửi tiền và vũ khí, thì chiến tranh khi ấy vẫn chưa có hồi kết.

Mỹ và Nga dường như sẵn sàng hy sinh Ukraine để đạt được các mục tiêu địa chiến lược của riêng mình.  

Và trái với lý lẽ thông thường, một cuộc chiến tranh tiêu hao vào thời điểm này dường như có lợi cho Nga chứ không phải là Mỹ và các đồng minh. 

Lịch sử gần đây cho thấy, các cuộc chiến tranh sẽ thường leo thang thành cuộc chiến tranh tiêu hao, hoặc kết thúc trong một cuộc xung đột bị đóng băng hoặc đạt được hòa bình bằng thương lượng. 

Nga đã ban hành các điều khoản vì hòa bình bao gồm các điểm sau: Xác lập sự Trung lập của Ukraine, chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, và công nhận nền độc lập của các khu vực ly khai thân Nga ở Luhansk và Donetsk.

Tất nhiên chính quyền Tổng thống Zelensky không bao giờ chấp nhận. Vào thời điểm này, có rất ít triển vọng để giải quyết cuộc xung đột Ukraine một cách hòa bình. 

Ý tưởng thiếu thực tế của chính quyền Jow Biden và giới lãnh đạo NATO khi muốn làm suy yếu nước Nga đến mức buộc Moscow phải rút lui khỏi Ukraine, hoặc gây tổn hại cho nước Nga đến mức khiến người dân đứng lên lật đổ Tổng thống Putin, cho đến nay đã thất bại. 

Chính sách sai lầm của chính quyền Joe Biden không chỉ dẫn đến kết cục đẩy cường quốc quân sự số 2 thế giới là Nga, trở nên gắn kết chặt chẽ hơn với kẻ thù số 1 của Mỹ là Trung Quốc, mà còn đang khiến nhiều thị trấn, làng mạc, thành phố của Ukraine bị tàn phá một cách có hệ thống và đầy đau đớn.

Xem thêm: Tổng thống Putin thách thức đồng đô la: Nước cờ nguy hiểm của Nga