Nga tung đòn cân não: NATO chần chừ, châu Âu tuyệt vọng
Giữa những cơn chấn động nghiêm trọng của địa chính trị thế giới, tại thành phố Samarkand của Uzbekistan, vốn được coi là ngã tư của Con đường Tơ lụa cổ xưa cách nay 2.500 năm, Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra.
Điều đáng nói là, SCO đã quy tụ cả đối thủ lẫn đồng minh của phương Tây. Điều này đã đẩy NATO vào thế tiến thoái lưỡng nan và châu Âu ngày càng trở nên tuyệt vọng. Hàng loạt những bất thường tại Trung Á – vốn là sân của Nga đã đẩy nước này vào cơn lốc bủa vây, và Nga đã biến nguy thành an như thế nào?
Nội dung chính
Nga tung đòn ngay sau hội nghị SCO
Vào cuối hội nghị thượng đỉnh hôm 16/9, hầu như tất cả các câu hỏi của phóng viên dành cho ông Putin, đều xoay quanh cuộc phản công được cho là thành công của Ukraine tại Kharkiv.
Tổng thống Putin nhận định cục diện chiến trường về cơ bản không thay đổi, và lực lượng Nga không cần hành động ‘vội vã’ ở Ukraine. Ông nói Nga tiến quân chậm, song có tính hệ thống và từng bước kiểm soát nhiều phần lãnh thổ hơn.
Tổng thống đã đề cập đến thực tế rằng, “chiến dịch đặc biệt” của Nga vẫn chưa diễn ra với toàn bộ sức mạnh của quân đội.
Ông Putin nói:“Thực tế là chúng tôi không chiến đấu với đầy đủ quân đội, chúng tôi chỉ chiến đấu với một phần mà thôi” và cho biết mục tiêu chính của chiến dịch vẫn là “giải phóng toàn bộ lãnh thổ của Donbass”.
Ông Putin cũng lưu ý một số đợt tập kích gần đây của Nga nhằm vào Ukraine là lời cảnh báo, và tuyên bố Nga sẽ mạnh tay hơn nếu Ukraine tiếp tục gây thiệt hại cho hạ tầng dân sự của nước này.
Ông Putin nói: “Lực lượng vũ trang Nga gần đây thực hiện một số đợt tập kích thận trọng. Hãy coi đó là những đợt tấn công cảnh báo. Nếu tình hình tiếp tục như thế, đòn trả đũa sẽ nghiêm trọng hơn”.
Đây được cho là một trong những lời lẽ cứng rắn nhất của ông Putin, trong bối cảnh Mỹ và NATO dường như đang tăng cường vai trò hơn nữa trong việc hỗ trợ các lực lượng Kiev.
Đồng thời Tổng thống Nga cho biết một phản ứng “nghiêm túc” hơn đang được chuẩn bị sẵn sàng, khi tuyên bố: “Chúng tôi thực sự khá kiềm chế trong phản ứng của chúng tôi đối với điều này, trong thời điểm hiện tại”. “Nếu tình hình tiếp tục phát triển theo cách này, phản ứng sẽ nghiêm trọng hơn”.
Chỉ sau đó 1 ngày, ngày 17/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga – tướng Igor Konashenkov thông báo các đơn vị tên lửa, pháo binh và không quân đã tập kích 5 cơ sở chỉ huy của quân đội Ukraine ở tỉnh miền đông Donetsk và tỉnh miền nam Zaporizhzhia.
Ngày 18/9, tình báo Anh nói quân đội Nga đang tăng cường quy mô tấn công tên lửa, mở rộng chủng loại mục tiêu nhằm đối phó cuộc phản công của Ukraine.
Trong báo cáo tình báo hàng ngày được Bộ Quốc phòng Anh công bố hôm Chủ nhật cho biết: “Nga đã phóng hàng nghìn tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Ukraine kể từ ngày 24/7. Sau khi đối mặt những bước lùi trên chiến trường, Nga nhiều khả năng đã mở rộng phương án tấn công, bổ sung thêm nhiều địa điểm tập kích nhằm làm suy yếu nhuệ khí của chính phủ và người dân Ukraine”.
Quân đội Anh cho rằng, lực lượng Nga đã tăng cường tập kích cơ sở hạ tầng dân sự suốt 7 ngày qua, trong đó có những đòn tấn công nhằm vào mạng lưới điện và một đập .
Trước đó Nga cũng cảnh báo nhiều mục tiêu khác trên lãnh thổ Ukraine có thể được nhắm đến: bao gồm mạng lưới điện, hệ thống bơm và lọc nước, và các sở chỉ huy cấp cao.
Giới chuyên gia quân sự coi những tuyên bố này của Nga là trắng trợn. Thời kỳ tồi tệ đang ở phía trước đối với Ukraine. Có thể nói những diễn biến xung quanh cuộc chiến ngày càng trở nên gay cấn trên mọi mặt trận, từ ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Việc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra đúng thời điểm này, đã khiến mọi cặp mắt đổ dồn vào Uzbekistan – nơi diễn ra Hội nghị.
Điều đáng nói là Hội nghị này không chỉ có mặt của hai đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ là Nga và Trung Quốc, mà còn có sự tham dự của các đồng minh của Mỹ và NATO, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ả rập xê út.
Những ‘tay chơi’ châu Á thách thức phương Tây
Hội nghị SCO lần thứ 22 được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử, không chỉ về quy mô mà cả các kết quả đạt được: Với hơn 20 văn kiện, trong đó có Tuyên bố chung Samarkand và 4 tuyên bố chung khác về các chủ đề đang được cộng đồng quốc tế hiện nay quan tâm,
15 nguyên thủ trên thế giới, đáng chú ý là sự có mặt của nhiều quốc gia Trung Đông, khiến SCO có thêm nhiều thành viên đồng nghĩa có nhiều tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quản trị toàn cầu. Qua đó đưa SCO trở thành một trong số các tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, khoảng 40% dân số thế giới và gần 2/3 diện tích lục địa Á-Âu.
Về nguồn cung, các quốc gia này chiếm 1/4 trữ lượng và sản lượng dầu, 30% công suất lọc dầu của thế giới, cũng như khoảng 44% trữ lượng và 30% sản lượng khí đốt toàn cầu.
Về nhu cầu, hai nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ là những nước nhập khẩu dầu lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới.
Điều đáng chú ý nhất là tại Samarkand, ông Tập Cận Bình đã gọi Trung Quốc và Nga là “các cường quốc toàn cầu có trách nhiệm” nhằm đảm bảo sự xuất hiện của đa cực và từ chối “trật tự” đơn cực do Mỹ áp đặt.
Về phần mình, Tổng thống Putin đã gửi một thông điệp sẽ vang lên khắp miền Nam toàn cầu rằng: “Những chuyển đổi cơ bản đã được vạch ra trong chính trị và kinh tế thế giới, và chúng là không thể đảo ngược”.
Iran chính thức được công nhận là thành viên thứ 9 của SCO, đánh dấu sự hình thành trục mới giữa Nga -Trung Quốc – Iran – ba động lực hàng đầu của hội nhập Á-Âu được coi là một thách thức nghiêm trọng đối với ván cờ địa kinh tế của phương Tây.
Đề cập đến cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Putin cho biết: “Đó chỉ là một cuộc gặp thông thường, đã khá lâu rồi chúng tôi không gặp mặt trực tiếp”. Cả hai đã nói về cách “mở rộng kim ngạch thương mại” và phá vỡ “cuộc chiến thương mại” do cái gọi là đối tác phương Tây gây ra.
Trớ trêu là Hội nghị SCO lại thu hút quá nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ và NATO, trong đó, Ấn Độ nổi bật như một ngôi sao sáng của khu vực Á châu.
Mối quan hệ song phương giữa Tổng thống Putin với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể thân mật hơn khi họ cùng xưng tụng là “tình bạn rất đặc biệt”. Điều đó thể hiện khi Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ sẽ mở các tài khoản đồng rupee đặc biệt để xử lý thương mại liên quan đến Nga.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi Trung Á, vốn trong lịch sử được biết đến như là Miền Trung tâm án ngữ trên Con đường Tơ lụa cổ xưa, và được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho sự trù phú, với các mỏ nhiên liệu hóa thạch, kim loại đất hiếm, và các vùng đất nông nghiệp màu mỡ. Nó cũng được cho là điểm giao thoa giữa hai lục địa Á – Âu.
Kazakhstan đã nổi lên như một ‘ẩn số’ khó lường trong cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng về địa chính trị giữa Mỹ, Nga và giờ đây là cả Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình chọn điểm dừng chân đầu tiên cho chuyến đi của mình là ở Kazakhstan, vốn được chính quyền Bắc Kinh coi là hậu phương chiến lược lớn ở phía Tây của Trung Quốc, và có đường biên giới rất dài với Tân Cương.
Trong nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga nỗ lực duy trì ảnh hưởng khắp Trung Á bằng những liên minh kinh tế và quân sự với các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Đứng đầu trong số đó là Kazakhstan.
Nhưng chiến sự ở Ukraine đang làm thay đổi mối quan hệ đó. Kazakhstan giờ đây đang ở ngã ba đường, khi vị thế của Nga không còn là số 1 trong chính sách đối ngoại của nước này nữa, mà giờ đây Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mới là lựa chọn hàng đầu của các chính trị gia nước này.
Chính quyền của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã khôn khéo xoay chuyển giữa các định hướng chính trị phương Đông và phương Tây. Chẳng hạn như khi Nga đang gia tăng áp lực cắt giảm khí đốt tới châu Âu thì Kazakhstan lại hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Công ty dầu khí Anh British Petroleum (BP) để gia tăng sản lượng dầu trên đường ống Baku-Tblisi-Ceyhan lên 4 triệu. tấn một tháng vào cuối năm nay.
Đồng thời Kazakhstan cũng mở rộng cửa đón chào hai gã khổng lồ năng lượng Mỹ là Chevron và ExxonMobil.
Đáng nói là, Kazakhstan không chỉ là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo, mà còn là thành viên của cả Dự Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng.
Vì vậy Hội nghị SCO là thời điểm không thể thích hợp hơn để cả ông Putin lẫn ông Tập gia tăng áp lực về một số vấn đề với đồng minh cốt lõi Kazakhstan.
Trong khi đó, đồng minh của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò là một nhà quan sát của SCO, chậm rãi nhưng chắc chắn đang toan tính thúc đẩy các chiến lược hợp tác đa phương cho riêng mình. Giống như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng, 25% khí đốt nước này mua của Nga sẽ được thanh toán hoàn toàn bằng đồng rúp.
Điều này chẳng khác gì sét đánh ngang tai, khiến Mỹ và châu Âu bất lực đứng nhìn các đồng minh thân cận của mình là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ lại đang giao dịch thương mại với ‘kẻ thù’ Putin.
Tệ hơn nữa là tiếng nói của Mỹ dường như ngày càng không còn trọng lượng, khi Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby hôm 15/9 cảnh báo Trung Quốc rằng: “Thông điệp của chúng tôi gửi đến Trung Quốc luôn kiên định là: đây không phải là thời điểm cho bất kỳ tiếp xúc, giao dịch nào như thường lệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Những phát biểu của ông Kirby sẽ không được chính quyền Bắc Kinh để tâm.
Trung Quốc vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của NATO đối với Nga
Đã có rất nhiều thông tin ảo tưởng khi nói đến cuộc tấn công của Nga ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt tiếp theo của phương Tây.
Trong khoảng 6 tháng, công chúng đều mười mươi tin chắc rằng Nga đang trên bờ vực thất bại hoặc sụp đổ kinh tế. Nhưng cứ mỗi tháng trôi qua, các dự đoán đều trở nên sai biệt.
Chỉ hai tháng trước, truyền thông vẫn nói rằng một sự sụp đổ tài chính sắp xảy ra ở Nga. Tuy nhiên, thay vào đó là sự bùng nổ doanh thu về xuất khẩu năng lượng của Nga. Mặc dù trên thực tế, GDP của Nga sẽ giảm trong năm nay, nhưng quy mô của sự sụt giảm được dự đoán sẽ tiếp tục thu hẹp vào cuối quý IV.
Khi Putin và ông Tập gặp nhau, mọi con mắt đều đổ dồn vào bất kỳ thỏa thuận nào mà cả hai ký kết cho những tháng mùa đông sắp tới. Các nhà kỹ trị Mỹ và châu Âu từng nuôi hy vọng rằng, Trung Quốc sẽ không dám liều lĩnh vượt qua các lệnh trừng phạt để làm ăn với Nga.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh dường như chưa bỏ qua bất kỳ cơ hội nào trong khủng hoảng, để trục lợi riêng cho mình. Hiện tại, Trung Quốc đang hưởng lợi, một phần là do các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên ngành năng lượng Nga, đã đẩy giá dầu toàn cầu lên đỉnh, nhưng lại khiến giá dầu và khí đốt tự nhiên của Nga có giá cả vô cùng phải chăng cho Trung Quốc.
Tất nhiên chính quyền Bắc Kinh chẳng tội gì tiêu thụ hết số lượng năng lượng giảm giá của Nga.
Điều trớ trêu là, chính Mỹ và châu Âu đã giúp Trung Quốc nghiễm nhiên trở thành nhà trung gian cực kỳ quan trọng trên thị trường Khí đốt tự nhiên, khi Bắc Kinh điên cuồng nhập khẩu năng lượng giá rẻ từ Nga và sau đó bán với giá cao cho châu Âu như trong video lần trước chúng tôi đã đề cập.
Trong khi các nhà quan sát dự đoán về một “cuộc khủng hoảng” năng lượng tại Trung Quốc do hạn hán ảnh hưởng đến thủy điện, có vẻ như Bắc Kinh không những vượt qua được, mà còn kinh doanh trên sự đau khổ của châu Âu.
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc từng bị coi là thường xuyên nghi kỵ đề phòng lẫn nhau. Có quan điểm còn cho rằng, hai quốc gia này thậm chí có thể còn gây chiến với nhau về lãnh thổ biên giới lẫn tranh giành tài nguyên.
Nhưng giờ đây, mối quan hệ Nga- Trung trở nên nồng ấm và tạo thành một liên minh kinh tế, khi cả hai khởi động một chiến lược thương mại song phương nhằm loại bỏ đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ.
Liên minh kinh tế này đang thách thức vị thế quyền lực của đồng đô la, và mở ra một kỷ nguyên thống trị của Trung Quốc trong các thỏa thuận kinh doanh bằng đồng Nhân dân tệ, khi các công ty Nga phát hành trái phiếu bằng đồng tiền này.
Tất cả đều nhờ chính sách nhầm lẫn tai hại của Mỹ tại Ukraine, đổ sức lực tiền của vào một quốc gia đông âu để làm suy yếu Nga và vỗ béo Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra là: Liên minh này sẽ lớn mạnh đến đâu với việc Nga và Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận chung xung quanh Nhật Bản và Đài Loan? Xung đột Ukraine và căng thẳng tại Đài Loan đã tạo ra một liên minh giữa một trong những nhà xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới và một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới.
Và hầu như không ai trong giới truyền thông phương Tây đề cập đến hậu quả tiềm tàng của liên minh này dành cho Mỹ.
Nga phá thế vây hãm của NATO
Nga chứ không phải là Trung Quốc đang lọt vào tầm ngắm của cả Mỹ và NATO. Trung Á, sân sau của Nga bỗng trở nên ‘nhộn nhịp’ trong năm 2022 với việc Kazakhstan vừa thoát khỏi một cuộc đảo chính vào tháng Giêng; rắc rối ở Tajikistan vào tháng 5; hỗn loạn ở Uzbekistan vào tháng 6; Các cuộc đụng độ biên giới dữ dội ở biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan, tại khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 9. Và cuối cùng là điểm nóng tại Syria.
Tất cả các quốc gia trên đều có mẫu số chung là ‘đồng minh’ của Nga.
Liệu những bất ổn tại khu vực Trung Á có ngẫu nhiên hay không, khi sự hỗn loạn tại đây được cho là nhằm khuấy đảo Putin phải quay cuồng đối phó.
Syria và Ukraine đã trở hai mặt trận của cùng một cuộc chiến. Tại Syria, Mỹ và NATO tìm cách tiêu diệt đồng minh Trung Đông quan trọng nhất của Nga và tạo ra một hiệp ước hỗn loạn để Nga phải rối trí.
Ở Ukraine, NATO áp dụng ‘học thuyết’ dùng người Ukraine và vũ khí phương Tây để làm Nga sa lầy và suy yếu.
Các nhà phân tích dự đoán rằng, sau cuộc phản công của Ukraine tại Kharkiv với sự trợ giúp của tình báo Mỹ, Nga rất có thể làm suy yếu Mỹ tại chiến trường Syria mà không vượt qua lằn ranh đỏ có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp.
Mỹ duy trì một số căn cứ trên lãnh thổ Syria, mà Nga có thể nhắm mục tiêu bằng cách sử dụng đồng minh Syria của mình giống như Mỹ đang làm tại Ukraine.
Đương nhiên, khả năng Trung Đông tiếp tục trở thành điểm nóng thứ hai sau Đông Âu có thể xảy ra. Và tất nhiên người dân Mỹ không thích thú trước viễn cảnh nước này tiếp tục phiêu lưu tiền của và trang thiết bị vũ khí vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông.
Trong trò chơi địa chính trị này, bên nào chịu được nhiệt càng lâu thì bên đó có khả năng giành chiến thắng.
.Cũng nhờ hội nghị SCO, những bất ổn tại các quốc gia Trung Á đã bớt màu u ám hơn, khi tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh đã chứng minh rằng, ít nhất đã có sự đồng thuận.
Khi Quan hệ Đối tác Á-Âu mở rộng, Hội nghị SCO đã định hình một môi trường chung, nơi các quốc gia đều ủng hộ sự kết nối lẫn nhau từ dự án Dự án Vành đai của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga.
Kinh tế sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến
Một số chuyên gia cho rằng, những tổn thất thật sự từ cuộc xung đột chính là nền kinh tế và nó sẽ quyết định kết quả của cuộc chiến này.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế được thiết kế để gây hại cho người Nga thì giờ đây đã diễn ra theo một cách bất ngờ. Thay vì bị tả tơi trong cơn bão trừng phạt, nền kinh tế Nga tiếp tục đạt được mục tiêu cùng với lạm phát tối thiểu vì những lệnh trừng phạt thiếu lý trí ở Washington, London và Berlin.
Họ không nhận ra rằng vị thế của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu dầu, khí đốt, phân bón và các kim loại quan trọng khác và các khoáng chất đất hiếm đã cách ly Nga khỏi nỗi đau mà phương Tây ‘dành’ cho họ.
Việc Nga tập trung củng cố mối quan hệ bền chặt hơn với Trung Quốc, Ấn Độ đã đẩy nhanh sự phát triển của một loại tiền tệ dự trữ quốc tế thay thế, cho phép Nga giao dịch với các quốc gia khác ngoài khối NATO.
Điều này cho thấy các lệnh trừng phạt của NATO không có hiệu quả.
Liên minh châu Âu cũng đang phải vật lộn để đối phó với những cơn gió trừng phạt đang thổi ngược một cách mạnh mẽ.
Cuộc họp hôm 16/9 tại thủ đô Brussels của Bỉ đã kết thúc một tuần hoạt động điên cuồng của 27 quốc gia. Trong đó người ta thấy rõ việc thiết lập một phản ứng chung đối với cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên phức tạp rối rắm như thế nào. Mỗi quốc gia thành viên EU lại phải đối mặt với những thách thức riêng để đảm bảo các hộ gia đình và doanh nghiệp của họ có thể vượt qua mùa đông năm nay..
Các chính phủ EU đã chi khoảng 278 tỷ Euro để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, và hỗ trợ giúp người dân thanh toán các hóa đơn của họ. (Bloomberg)
Đằng sau sự hỗn loạn kinh tế ở châu Âu là thảm họa kinh tế đang diễn ra ở Ukraine. Các chính phủ châu Âu đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong nước, liệu sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và vũ khí cho chính quyền Tổng thống Zelensky?
Chừng nào nền kinh tế Nga vẫn còn nguyên vẹn và có thể bán các sản phẩm thiết yếu của mình ra thế giới, thì nước này sẽ chiếm ưu thế. Đó là lúc châu Âu tuyệt vọng và NATO trở nên thừa thãi.
Xem thêm: Ukraine hứng bão hoả lực, sau khi phản công ‘thành công’ tại Kharkiv