Con cá sấu dài hơn 5m bị kẹt cổ trong lốp xe hơn 5 năm qua cho đến khi một người bán chim xuất hiện và quyết định giải cứu nó vì “ghét phải nhìn thấy cảnh đó”.

Tili, người bán chim 34 tuổi ở thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia đang được tung hô như ‘anh hùng sông nước’ sau khi giải cứu thành công con cá sấu vào ngày 7/2.

“Tôi chỉ muốn giúp đỡ. Tôi ghét phải nhìn thấy cảnh động vật bị mắc kẹt và khổ sở”, Tili chia sẻ hôm 8/2, theo AFP.

Các nhân viên bảo tồn đã cố gắng giúp con cá sấu nước mặn dài 5,2 m trên sông Palu kể từ năm 2016, sau khi người dân địa phương phát hiện nó bị lốp xe máy quấn chặt vào cổ, nhưng không thành công. 

Con cá sấu nước mặn nổi tiếng khắp thế giới vì bị chiếc vỏ xe máy mắc quanh cổ (ảnh chụp màn hình AFP).

Tili cũng đã mất ba tuần kiên trì với hai lần nỗ lực giải cứu bằng cách dùng thịt gà nhử và dây thừng để bắt con cá sấu lại. Tuy nhiên, cả 2 lần đều thất bại do loại dây thừng anh dùng không đủ chắc để chịu được sức nặng của con vật.

Trong nỗ lực lần thứ ba, anh quyết định chuyển sang dây kéo thuyền. Cuối cùng, con vật to lớn đớp mồi nhử và hàng chục người dân đã hỗ trợ Tili kéo nó vào bờ, cắt chiếc lốp xe.

“Tôi đã kiệt sức, nên để những người khác giúp hoàn thành nốt cuộc giải cứu. Con cá sấu nặng đến mức khó tin. Ai cũng vã mồ hôi và mệt mỏi không tưởng”, Tili cho biết. Ngay sau khi tự do, con vật được thả về sông trong tiếng cổ vũ reo hò của người dân địa phương.

Cư dân giải thoát cá sấu bị lốp xe kẹt ở cổ trước khi thả về sông Palu hôm 7/2 (ảnh chụp màn hình AFP).

Trong 5 năm qua, con cá sấu thường xuyên lên bờ phơi nắng nhưng không có ai dám lại gần để giải cứu nó. Vào năm 2020, chính quyền địa phương đã treo thưởng cho ai đủ dũng khí cắt chiếc vỏ xe khỏi cổ con vật.

Cuộc thi sau đó bị hủy do người dân và các nhà bảo vệ động vật phản đối vì lo ngại sẽ có người bất chấp mọi cách làm tổn hại con cá sấu để lấy tiền thưởng.

Các chuyên gia bảo tồn tin rằng ai đó có thể đã cố tình đặt bẫy con vật bằng chiếc lốp xe nhưng thất bại và khiến nó mắc kẹt.

“Hôm qua là ngày lịch sử đối với chúng tôi”, ông Hasmuni Hasmar, người đứng đầu cơ quan bảo tồn Palu nói và cho biết “rất vui mừng vì cá sấu cuối cùng cũng được giải cứu”.