Người khôn ngoan tránh ba điều cấm kị này thì vận khí mới tốt
Đời người tránh được ba điều cấm kị dưới đây, vận khí càng tốt, nhân sinh càng bớt phiền nhiễu.
- Ngẫm kiếp nhân sinh, hỏi ai người sung sướng?
- Khám phá long mạch đất Trung Hoa: Vì sao cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô?
Nội dung chính
Điều cấm kị thứ nhất: Kiểm soát cái miệng
Một triết gia phương Tây từng nói: “Kiểm soát được cái miệng của mình là mỹ đức bậc nhất mà nhân loại cần phải hướng đến”. Còn người phương Đông thì cho rằng, một người dù mệnh tốt đến đâu mà “cái miệng” không tốt thì phúc đức và phú quý đều bị hao tổn hết bởi “khẩu nghiệp”.
Cổ nhân có câu rằng “Khẩu nãi tâm môn”, miệng là cánh cửa của tâm hồn. Người có tu dưỡng, làm việc gì đều nghĩ đến người khác trước tiên. Họ sẽ cẩn thận lời ăn tiếng nói của bản thân. Đây cũng chính là cách người xưa bảo vệ phúc khí của chính mình.
Lão Tử từng nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”; người biết thì không nói, người nói thì không biết. Người thông minh sẽ nói những gì nên nói, lời nói của họ tuy ít nhưng đều có ý nghĩa. Họ biết rõ lời mình nói là đại biểu cho sự tu dưỡng và trí tuệ; cho nên mỗi câu đều cân nhắc, lúc nào cũng suy nghĩ thấu đáo.
Điều cấm kị thứ hai: Lo lắng quá nhiều
Trong “Liệt tử Thiên Thụy” có ghi chép điển cố “Kỷ nhân ưu thiên”: Tương truyền rằng ở nước Kỷ có một anh chàng suốt ngày lo sợ trời sẽ sụp, đất sẽ lở. Anh ta nghĩ rằng, mình sẽ không có chỗ để sinh tồn; lúc nào cũng bất an, u sầu, bỏ cả ăn ngủ cũng chỉ vì chuyện đấy.
Về sau, có người hàng xóm hiểu chuyện đến giải thích với anh ta; anh ta hiểu ra mới hết lo âu. Sau này, câu “Kỷ nhân ưu thiên” đã trở thành thành ngữ dùng để chỉ những ai lo lắng quá mức việc không đâu; buồn lo vô cớ, tự làm khổ cho chính mình.
Có lẽ không ít người nhìn vào trường hợp này đều sẽ cảm thấy anh chàng này thật nực cười. Nhưng chúng ta hãy thử nghĩ lại một chút, có bao nhiêu người trong chúng ta là không giống như kiểu người nói trên?
Nếu như bảo bản thân ngồi một chỗ nhắm mắt, tĩnh tĩnh không động chút suy nghĩ, hỏi mấy ai làm được như vậy? Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, chuyện tương lai, v.v., tất cả đều sẽ nổi lên không nghĩ không thể được.
Thế giới hiện đại phồn hoa quá mức lại càng có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu cám dỗ có thể hút đi tinh lực của con người.
Nghĩ quá nhiều sẽ khiến tâm linh mệt mỏi; lại càng thêm phiền não, chính là tự bản thân chiêu mời những rắc rối.
Điều cấm kị thứ ba: Tham lam, ích kỉ
Người biết đủ không phải là sống cuộc sống thiếu thốn về vật chất mà là giữ cho tâm không tham; giữ cho lòng thanh tịnh. Bậc thánh giả, hiền nhân, các vị hoàng đế đức độ trong lịch sử, dù có tài sản và quyền uy đến đâu nhưng vẫn có thể giữ cho mình một cuộc sống thanh tâm quả dục.
Giữ tâm thanh sạch, ít dục vọng là cách tu dưỡng tâm tính của người xưa. Bởi vì người quả dục sẽ không bị danh lợi chế ngự hay lôi cuốn mà đánh mất chân tâm của mình.
Từ lịch sử nhân loại mà xét, trong xã hội phương Đông và phương Tây, dù ở bất cứ giai tầng nào thì người quả dục cũng đều là những người đáng quý nhất; họ là người được nhiều người kính trọng và tín nhiệm nhất.
Ngược lại, người ham muốn danh lợi mạnh mẽ, luôn tranh đấu sẽ sống mệt mỏi; lại còn gây họa loạn trong xã hội.
Xưa nay, người nghèo nhờ quả dục mà an khang; người phú quý nhờ quả dục mà bình an, hưởng thọ lâu dài. Một người luôn biết tu dưỡng giữ tâm trong sạch; giảm bớt ham muốn trong từng suy nghĩ, ngôn hành mới có thể đạt được thân tâm khỏe mạnh.
Con người càng tiết chế thì vận khí càng tốt
Ở trên đời, phàm là kẻ hám tài, tham quyền, thích gây chuyện thị phi, thì chẳng có người nào giữ lại được lý trí, mà một khi lý trí đã không còn thì ngay tới tính mạng cũng mong manh như “chỉ mành treo chuông”.
Không biết trân trọng những gì mình đang có; không chịu tu dưỡng bản thân, không học cách kiểm soát dục vọng… đều là những con đường ngắn nhất đẩy chúng ta vào cảnh hiểm nguy.
Nên nhớ, người không có khả năng tự chủ; không có khả năng kiểm soát được hành vi lời nói của mình thì không có đủ tư cách bàn đến chuyện nhân sinh.
Hy vọng rằng, những điều cấm kị của người xưa, sẽ giúp chúng ta tránh được những điều không mong muốn trong cuộc sống. Hãy lấp đầy trái tim từ bi của chính mình; từ đó tâm hồn của chúng ta sẽ tự khắc trở nên tươi sáng hơn!