Long mạch được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự thịnh suy của một vương triều. Bởi vậy, các bậc đế vương Trung Hoa rất coi trọng điều này.

Không ngẫu nhiên mà Lạc Dương và Tây An trở thành đế đô ngàn năm trong lịch sử của dân tộc Trung Hoa. Đằng sau đó có điều gì đặc biệt? Mời quý độc giả ngược dòng thời gian và cùng khám phá…

Long mạch có sự liên hệ trực tiếp tới vận thịnh suy của vương triều

Văn hóa Trung Hoa cổ xưa nhìn nhận rằng, vạn sự vạn vật trong vũ trụ sinh ra đều có sự đối ứng; long mạch trên mặt đất đối ứng với nhân mạch trên nhân gian và thiên mạch trên Trời. Thiên mạch chính là “Thiên ý”, quyết định sự biến đổi của thiên tượng. Còn long mạch chính là mạch của đất, quyết định sự biến hóa của địa tượng.

Do đó tìm thế đất có long mạch, cũng chính là tìm nơi để an phát quốc gia; xây dựng cơ nghiệp ngàn năm.

Lạc Dương – vùng đất long mạch gắn với kinh đô ngàn năm

Cố đô 13 triều

Đế đô ngàn năm – Lạc Dương là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu lần thay triều đổi đại; không biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt trong lịch sử đến và đi.

Lạc Dương – vùng đất long mạch gắn với kinh đô ngàn năm
Bản vẽ mô phỏng thành Lạc Dương ngày xưa (ảnh:travelmag).

Đây là vùng đất thiêng, nhiều lần được chọn làm kinh đô trong hơn 1.500 năm; trước sau trải qua 105 đời vua; cũng được xem là cái nôi hội tụ đầy đủ tinh hoa của văn hóa Trung Quốc.

Một danh xưng mà chúng ta được biết đến của Lạc Dương là “Cố đô 13 triều”. Những triều đại nổi bật chọn Lạc Dương làm kinh đô có Đông Chu, Đông Hán, Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường…

Lạc Dương – vị trí trung tâm của trời đất

Theo quan niệm Trung Hoa cho rằng, Lạc Dương ở vị trí trung tâm trời đất. Thư tịch cổ Trung Hoa miêu tả Lạc Dương “sông ngòi tám phía chảy về, bắc có núi Mang Sơn, nam là sông Lạc Thủy, đông khống chế đất sông Hoài, tây giữ vùng Quan Lũng, núi đồi sừng sững; bên tả có ải Hổ Lao, bên hữu giữ cửa Hàm Cốc; trên thông tới U Yên, dưới hướng về Y Khuyết”; xưng tụng Lạc Dương “núi sông phủ phục, hình thế được xếp vào hàng đầu thiên hạ”.

Thành cổ Lạc Dương được quy hoạch thành lũy sau khi Chu Công đích thân quan sát địa hình kỹ lưỡng. Năm 770 Trước Công Nguyên, Chu Bình Vương định đô Lạc Dương; mở đầu lịch sử kinh đô 1.500 năm cho các triều đại sau này.

Tinh hoa phong thủy hội tụ ở Mang Sơn

Trong chỉnh thể thế đất Lạc Dương, toàn bộ tinh hoa phong thủy đều hội tụ ở Mang Sơn. Mang Sơn là rồng, là “đầu” của Lạc Dương. Do đó phong thủy của Lạc Dương sẽ chỉ còn một nửa nếu như không có sự tồn tại của Mang Sơn.

Vào thời Bắc Tống, hoàng triều đã chọn Khai Phong làm kinh đô chính – Đông Kinh. Lạc Dương lúc này là bồi đô, được gọi là Tây Kinh. Trong loạn Tĩnh Khang, quân Kim công chiếm được thành Lạc Dương, từ đó ngôi thành nhanh chóng hoang tàn, trở thành nơi vắng vẻ không người qua lại.

Lạc Dương – vùng đất long mạch gắn với kinh đô ngàn năm
Lạc Dương cũng là nơi tổ chức “lễ hội hoa Mẫu Đơn” mỗi năm một lần tại Trung Quốc.

Dù cho lịch sử Lạc Dương trải qua nhiều thăng trầm thịnh suy, bãi bể nương dâu; ngọn Mang Sơn ở phía Bắc tòa thành vẫn là đỉnh núi thiêng trong phong thủy Trung Hoa.

Long mạch của thành Trường An tự cổ đế vương đô

Kinh đô của 11 triều đại Trung Hoa

Tây An – tên hiện đại của Trường An, là một trong bốn cố đô lớn của Trung Quốc với 1.100 năm lịch sử. Nơi này vừa là khởi nguồn văn minh của dân tộc Trung Hoa, vừa là điểm đầu của Con đường tơ lụa.

Trường An là cố đô của 11 triều đại Trung Hoa: Tây Chu, Tây Hán, Tân, Tây Tấn, Tiền Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường.

Tây An nằm ở vị trí trung tâm bình nguyên Quan Trung; nơi này có địa thế lưng tựa núi, mắt nhìn sông; với phía nam là dãy núi Tần Lĩnh, phía Bắc là dòng sông Vị; khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ.

Mưu sĩ nổi tiếng thời Hán là Trương Lương nhận thấy long mạch tốt nên từng kiến nghị Lưu Bang đóng đô Trường An vì “nơi này ba mặt giáp núi, tám trăm dặm Tần Xuyên, dễ thủ khó công, thật là nơi đất quý phong thủy của triều đại muôn đời. Trong toàn bộ thế đất, dãy Tần Lĩnh chính là long mạch của Trường An.

Khám phá long mạch đất Trung Hoa: Vì sao cổ nhân chọn Lạc Dương và Trường An làm đế đô?
Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á, gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa.

Long mạch thế “tám rồng chầu Trường An”

Trong 11 thế kỷ, xuyên suốt thời đại Hán – Đường, các dòng sông xung quanh đã tạo thành hình thế long mạch “tám rồng chầu Trường An”. Sức mạnh Trung Hoa trong hai triều Hán – Đường cũng đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng cả về kinh tế và văn hóa.
Sau nhà Đường, do biến đổi khí hậu hạn hán quanh năm, tám dòng sông lớn quanh Trường An dần khô cạn. Dù Quan Trung vẫn là nơi đất tốt, nhưng hình thế phong thủy ở giai đoạn sau không còn tốt đẹp như Hán – Đường. Địa vị của Trường An từ sau nhà Đường cũng từ một kinh đô của cả Trung Hoa suy giảm dần dần biến thành trung tâm một vùng.

“Trước là tích đức sau là tầm long”

Vị trí đất tốt đóng một vai trò rất quan trọng trong cơ nghiệp đại sự. Nhưng có vẻ như đó không phải là điều then chốt để đem đến kết quả cuối cùng. Trong bài “Tầm long gia truyền bảo đàm”, cụ thánh địa lý Tả Ao có nói “Trước là tích đức sau là tầm long” – nhà không có đức thì dù ở trên đất tốt cũng khó trường tồn.

Có lẽ vì đức mới là yếu tố quyết định cuối cùng, nên dù chọn được nơi có vị trí tốt để đặt làm kinh đô thì các triều đại cũng không tránh khỏi vận số suy vong sau nhiều đời thịnh trị.