Hà Nội vừa tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông từ 16-17/11. Các thành viên tham gia hội thảo rất quan ngại về Dự luật hải cảnh mới sửa đổi của Trung Quốc. Dự luật này cho phép lực lượng hải cảnh quyền sử dụng vũ khí tối tân để phá hủy tàu thuyền của các nước ‘xâm phạm vùng biển của Trung Quốc’.

Dự luật hải cảnh mới của Trung Quốc sửa đổi gì?

Dự luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc có thêm điều khoản số 19. Theo đó trao quyền rất lớn cho hải cảnh Trung Quốc được sử dụng vũ lực như một lực lượng bán quân sự chống lại các tàu thuyền và ngư dân hoặc các đối tượng bên ngoài xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc.

Vấn đề nằm ở chỗ đâu là ‘vùng biển của Trung Quốc’?  

Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 quy định vùng đặc quyền kinh tế và vùng tiếp giáp lãnh hải của mỗi quốc gia. Tuy nhiên Trung Quốc thường không tuân theo luật quốc tế. Họ tự đưa ra đường lưỡi bò bao phủ 80% Biển Đông, khẳng định đó là chủ quyền của mình.

Điều này dẫn đến lo ngại mới về tình hình Biển Đông lại sẽ có căng thẳng mới cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Lý do là Trung Quốc sẽ bám vào luật do họ tạo ra để xâm phạm vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của quốc gia khác, không chỉ trên Biển Đông dẫn đến nguy cơ xung đột rất lớn.

Hải cảnh Trung Quốc được trang bị gì?

Dự luật hải cảnh Trung Quốc
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (ảnh chụp màn hình BBC).

Truyền thông quốc tế đưa tin rằng Dự luật sửa đổi này của Trung Quốc cho phép hải cảnh bắn vào các tàu nước ngoài ‘vi phạm’. Luật này cũng cho phép các tàu đi tuần của Trung Quốc khi ‘bị tấn công’ sẽ đáp trả bằng vũ khí trên tàu hoặc trên không; cho phép giam giữ, kéo dắt các tàu nước ngoài được coi là đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc.

Lý do là để “bảo vệ tài nguyên biển và ngành đánh cá” của nước này.

Bình luận về việc này, giáo sư Carl Thayer (đại học New South Wales – Úc) cho biết  đây là cách thức để Trung Quốc tiếp tục yêu sách đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông.

Theo Vietnamnet, số tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là khoảng 130 chiếc. Con số này gấp đôi số tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG – 66 chiếc). Một số tàu hải cảnh Trung Quốc trên 10.000 tấn đã được trang bị các loại pháo cỡ 76mm, được xếp vào các tàu tuần duyên lớn nhất thế giới.

Nguy cơ xung đột quân sự trên Biển Đông

Dự luật hải cảnh Trung Quốc: nguy cơ xung đột
Biển Đông sẽ lại dậy sóng với Dự luật hải cảnh mới của Trung Quốc (ảnh chụp màn hình US Navy)

Lo ngại Trung Quốc thông qua luật này và qua đó tăng cường xâm phạm trái phép vùng biển của các quốc gia khác, các thành viên tham gia hội thảo đã phát biểu các ý kiến quan ngại.

Trong buổi hội thảo quốc tế về Biển Đông này, ông Hoàng Việt, giảng viên luật quốc tế nhận định rằng Trung Quốc muốn dùng luật này làm bình phong để đạt được các mục đích chính trị và kinh tế của mình, nhằm buộc các quốc gia bị bắt nạt phải nhượng bộ.

Ông cho rằng Trung Quốc sẽ thăm dò phản ứng của các nước bằng cách tăng cường các vụ va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, ví dụ như vụ bắn tàu cá Việt Nam vừa qua. Nếu các nước không đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kịp thời, Trung Quốc sẽ đi các bước tiếp theo.

Ông Hoàng Việt phân tích rằng, về mặt lý thuyết luật pháp, cảnh sát biển là cơ quan hành pháp của Trung Quốc, không phải là cơ quan quân đội. Do đó Trung Quốc có thể nói rằng khi có xung đột trên biển, họ không sử dụng vũ lực quân đội.

Ông nói “Nhưng có rất nhiều quốc gia Đông Nam Á trong vùng tranh chấp Biển Đông không đủ tiềm lực hải cảnh tương đồng với Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp, có thể họ sẽ phải sử dụng lực lượng hải quân để chống trả. Việc này tạo cớ cho Trung Quốc đáp trả bằng vũ lực quân đội, dẫn đến khả năng lớn xảy ra xung đột quân sự trong khu vực”.

Theo Vnexpress, Phó đô đốc Yoji Koda, cựu tư lệnh Hạm đội Phòng vệ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, bình luận tại hội thảo rằng việc Trung Quốc không làm rõ khu vực biển áp dụng dự luật “sẽ đặt ra một vấn đề quốc tế nghiêm trọng”.

Như vậy, Việt Nam và các nước đang có xung đột về chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ phải đối diện với nguy cơ cao đến sự những tấn công của Trung Quốc vào các tàu cá trên Biển Đông trong thời gian tới.