Nhiều hộ gia đình cho biết, tiền điện tháng này tăng gấp đôi tháng trước, kể cả những hộ kinh doanh đang tạm thời đóng cửa thì tiền điện vẫn tăng mạnh.

Nhiều người “sốc” khó hiểu khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện

Cụ thể, cho biết trên VnExpress, chị Tú cư trú tại quận Phú Nhuận, TP.HCM nói, tháng 3 vừa rồi có bà nội ở cùng và dùng hai máy lạnh, thế nhưng đến giữa tháng 3, bà nội về quê, hai vợ chồng vẫn đi làm bình thường và chỉ sử dụng một cái máy lạnh, thế mà lượng điện dùng của tháng 4 tăng gấp đôi tháng 3 lên 412 kWh, điều này thật khó hiểu.

Sau khi phản ánh với “nhà đèn”, chị nhận trả lời rằng: “Điện tăng sao thì ghi nhận thế”. Câu trả lời chị nhận được không thuyết phục, vì so với cùng kỳ năm ngoái, nắng nóng gay gắt, gia đình cũng chỉ tiêu thụ tổng 391 kWh với tổng hoá đơn là 852.626 đồng.

Hóa đơn tiền điện tháng 3,4 của gia đình chị Tú.
Ảnh chị Tú cung cấp trên VnExpress.

Tương tự, gia đình chị Vân ở Nguyễn Kiệm, trong kỳ tính hoá đơn tháng 4 điện năng tiêu thụ cũng tăng 1,45 lần so với kỳ trước, lên đến 784 kWh.

“Mọi sinh hoạt của nhà tôi đều bình thường, thậm chí giặt, ủi đồ ít hơn trước vì chỉ đi làm rồi ở nhà chứ không ra ngoài chơi. Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên gọi đồ ăn giao đến chứ không nấu nướng gì, nhưng điện vẫn tăng đột biến”, chị chia sẻ.

Không chỉ các hộ ở TP.HCM mà tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng gặp tình trạng này. Chị Nhung ở quận Cầu Giấy cho biết, nhà chỉ có 2 người mà lượng điện tháng 3, 4 lần lượt là 447 kWh và 530 kWh, tăng gấp đôi so với tháng 2.

Chị Nga, chủ Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở quận 10 (TP.HCM) cho biết, tháng 4 phòng khám của chị phải đóng 3,4 triệu đồng, tăng 39% so với tháng 3 (2,4 triệu đồng). Theo chị Nga, nghịch lý ở đây là từ 8/3 đến tháng 4 phòng khám của chị đóng cửa do phòng COVID-19 nên không thể nào sản lượng và giá điện lại tăng cao như vậy.

“Khi phản ánh thì điện lực trả lời là do ba tuần đầu công ty hoạt động nhiều nên tiền điện nhiều. Nếu phòng khám muốn thay điện kế khác để đo lượng điện tiêu thụ phải đợi sang tháng sau họ xuống kiểm tra mới được”, chị Nga kể.

Nhiều bạn đọc (BĐ) than thở với Thanh Niên, họ sốc khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 này. “Nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 này mà tôi sốc toàn tập. Tháng 3 thì 905.000, sang tháng 4 nhảy vọt lên 1,5 triệu đồng mà cũng có bấy nhiêu thiết bị trong nhà.

Không hiểu tại sao?”, BĐ Thủy Tiên (TP.HCM) bức xúc. BĐ Văn Thơ (TP.HCM) thì viết: “Nhà tôi tháng này cũng tăng từ 400.000 đồng lên gần 600.000 đồng. Ở nhà thuê nữa mới khổ, tiền nhà, tiền điện, tiền nước không giảm được một xu”. Còn BĐ tên Nga (TP.HCM) ngắn gọn: “Tôi đã sốc thật sự khi nhận hóa đơn tiền điện tháng này”.

EVN đưa ra lý do giải thích cho vấn đề này

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 3, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó riêng Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình đó, EVN đã đưa ra hai lý do được Zing đăng tải là: Yếu tố thời tiết và ảnh hưởng của COVID-19.

– Lý do thứ nhất là vì thời tiết: Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Tháng 3 năm nay còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C.

Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.

– Lý do thứ 2 là do dịch COVID-19: Học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Zing, người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3 với số tiền tăng vọt. Nhiều hộ dân cho biết chi phí tiền điện tăng tới 30-40% so với thông thường. Trong khi đó, đề xuất giảm tiền điện trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được quyết định.