Thời gian trước đây, Malaysia và Indonesia thường cố gắng tránh các vấn đề về Biển Đông để đổi lấy mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng với việc Bắc Kinh hiện thực hóa bản đồ với đường lưỡi bò hay còn gọi là đường 9 đoạn, là đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền khiến những ngày ngoại giao thầm lặng của Malaysia và Indonesia có thể không kéo dài mãi mãi.

Việc Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ tham vọng của họ trên Biển Đông, giới quan sát nhận định rằng Bắc Kinh có một lịch sử lâu dài về việc quấy rối các tàu của các quốc gia khác ở Biển Đông nhưng chủ yếu là với Việt Nam và Philippines.

Vụ việc với Malaysia vào tháng 4 vừa rồi đã làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về sự sẵn sàng của Trung Quốc tại Biển Đông, cụ thể là vào ngày 23/04/2020, tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê tàu West Capella thực hiện thăm dò trong vùng biển mà Malaysia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ. Khi West Capella đang tìm kiếm tài nguyên ở vùng biển đó thì Trung Quốc cũng cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh hộ tống đến, vừa theo sát tàu Malaysia, vừa làm khảo sát thăm dò như đã từng làm vào năm ngoái tại khu vực Bãi Tư Chính và bờ biển miền Trung Việt Nam nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Đáp trả lại, Malaysia đã triển khai các tàu hải quân đến khu vực này, tiếp nữa là các tàu chiến Mỹ đang tập trận chung ở Biển Đông tham gia hỗ trợ tàu Malaysia. Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đã có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhấn mạnh rằng nước này quyết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông.

Đến ngày 12/05, tàu thăm dò dầu khí cho Malaysia West Capella đã rời khu vực này sau khi hoàn thành công việc, tuy nhiên Reuters cho biết về các độ tàu của Trung Quốc, thông tin định vị hàng hải cho thấy là chiếc Hải Dương Địa Chất 8 vẫn hiện diện gần đây, ở vùng biển cách bờ biển Malaysia khoảng 230 hải lý.

Với Indonesia, trước đây Indonesia luôn có quan điểm rằng Indonesia không phải bên tranh chấp hay ra yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, vào đầu năm nay khi khi các tàu cá Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia thuộc Quần đảo Natuna ở cực nam của Biển Đông, tàu thuyền của cả hai nước đã đụng độ.

Tiếp sau đó, Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu hải quân F-16 đến các đảo và đích thân Tổng thống Joko Widodo bay tới khu vực này, giới quan sát nhận định rằng đây là một màn thể hiện sức mạnh bất ngờ của Indonesia vì trước đây Indonesia coi Trung Quốc là đối tác chủ yếu trong các hoạt động thương mại và đầu tư.  

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (giữa) yêu cầu Trung Quốc điều tra rõ về cái chết của các thuyền viên người Indonesia.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã chính thức lên tiếng, nói rằng  vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực phía bắc đảo Natuna được Công ước liên hiệp quốc về luật biển năm 1982 công nhận. Indonesia yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy định này. Đồng thời, Indonesia không công nhận tuyên bố “đơn phương” của Trung Quốc về “đường chín đoạn” và sẽ phối hợp với các bên liên quan để tăng cường bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình trên biển Natuna.

Ngày 26/05/2020, Chính phủ Indonesia gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó bác bỏ bản đồ Đường 9 đoạn của Trung Quốc hay tuyên bố các quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ vùng biển tranh chấp này.

Phản kháng lại hành động này của Indonesia, Trung Quốc cũng gửi thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vào ngày 02/06/2020, nói rằng nước này không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia, song lại cho biết hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với các quyền trên biển ở các khu vực của Biển Đông.

Gần đây nhất khi trả lời phỏng vấn với tờ Benard News ngày 05/06/2020, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Hiệp ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Damos Dumoli Agusman nói: “Dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Indonesia không tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc, do đó việc tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại nào về phân dịch ranh giới trên biển đều không thỏa đáng”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi từ chối (mọi cuộc thương lượng)”.

Chứng kiến các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây trên Biển Đông, CNN bình luận rằng sự gia tăng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong khu vực này một phần do đại dịch coronavirus toàn cầu, đã giáng một đòn nặng nề vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và làm tổn hại danh tiếng quốc tế của quốc gia này.

Tại cuộc họp của quốc hội vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm. Đây là  lần đầu tiên sau rất nhiều năm mà Trung Quốc không đặt con số cụ thể nào về tăng trưởng GDP cho năm nay, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc lo ngại về hiệu quả kinh tế giảm.

Đồng thời, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và châu Âu về vai trò của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn sự bùng phát ban đầu cũng có thể là một phần lý do khiến Trung Quốc muốn khẳng định sức mạnh của họ ở khu vực. Các chuyên gia nhận định rằng vì Trung Quốc lo ngại về sự suy giảm về sức mạnh nên Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tăng gấp đôi sự hùng biện trong các chương trình nghị sự dân tộc, bao gồm cả việc kiểm soát Biển Đông.   

 Ông Felix Chang, người đứng đầu Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho biết 

“Bắc Kinh tin rằng họ có thể làm suy yếu sự phản đối của Indonesia, và cuối cùng Indonesia sẽ  giống như Malaysia, đều sẽ phải nhận ra rằng họ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc phù hợp với sự hiện diện của Trung Quốc”. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng phải đối diện với sự thật rằng Hoa Kỳ đã tăng cường tự do hoạt động hàng hải ở Biển Đông, Washington hiện đang nỗ lực để hỗ trợ trực tiếp các quốc gia Đông Nam Á ở khu vực Biển Đông.

Phó Đô đốc Bill Merz, chỉ huy Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã nói: “Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong việc theo đuổi hợp pháp lợi ích kinh tế của họ”. Cũng vào tháng 5, ông James Holmes, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ và cựu sĩ quan Hải quân nhận định rằng: “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã thực sự chơi quá tay một cách nghiêm túc bằng cách bắt nạt và quá hung hăng”.

“Điều đó bắt đầu thúc đẩy các đồng minh cảm thấy lo lắng về sự xâm lược của Trung Quốc … Trung Quốc càng tăng cường hoạt động thì phía bên kia, các đối tác liên minh càng có khả năng đoàn kết và có phản ứng chống trả” và “Bất kỳ sự đẩy lùi nào cũng có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá”.