Sri Lanka, quốc gia nhỏ bé, đang mắc “chủ nợ lớn” Trung Quốc. Tình cảnh bi đát của quốc gia Nam Á diễn ra chỉ vài năm sau khi tham gia dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc.

Dưới áp lực của làn sóng biểu tình rầm rộ, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn ra nước ngoài vào ngày 13/7. Theo quy định của Hiến pháp, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tự động lên nắm quyền tổng thống.

Ông Ranil đang cố gắng đàm phán để xin được một khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Sri Lanka giành được độc lập vào năm 1948.

Tuy nhiên, Sri Lanka đối mặt với “một thách thức khó khăn”, theo Nikkei Asia. Đó là Trung Quốc, chủ nợ lớn của Sri Lanka, không dễ dàng “khoan dung” với con nợ của mình.

Sri Lanka khủng hoảng nghiêm trọng

Tân tổng thống Wickremesi lên nắm quyền trong khi đất nước khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Dù vậy, ông không có quyền lực rõ ràng. Những người biểu tình cũng muốn ông phải từ bỏ chức vụ, vì cho rằng ông đã trợ giúp gia tộc Rajapaksa nắm quyền nhiều năm tại Sri Lanka.

Theo Nikkei, chính phủ của ông Wickremesinghe đang phải đối mặt với cuộc chạy đua với thời gian để đàm phán một thỏa thuận với IMF. Chỉ số Giá Tiêu dùng Colombo đã tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6. Công chúng vật lộn với tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm.

Sri Lanka đã vỡ nợ nước ngoài vào tháng 5. Nước này cần phải cơ cấu lại các khoản nợ. Đó là điều kiện tiên quyết để được IMF cấp vốn khẩn cấp. Nhưng điều đó đòi hỏi Sri Lanka phải đàm phán với chủ nợ lớn là Trung Quốc. Vấn đề trớ trêu là, không rõ quy mô nợ Trung Quốc của Sri Lanka như thế nào.

Sri Lanka nợ Trung Quốc bao nhiêu?

Sri Lanka gia nhập sáng kiến Vành đai – Con đường sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công bố dự án này vào năm 2013. Sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng bị chỉ trích rộng rãi là một kiểu “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Sri Lanka là một trong các con nợ đã sập bẫy, theo bình luận của một số nhà quan sát. Năm 2017, Sri Lanka buộc phải nhượng lại cảng biển Hambantota cho Trung Quốc trong vòng 99 năm vì không thể trả nợ.

Sri Lanka phải nhượng Cảng biển quốc tế Hambantota cho Trung Quốc 99 năm do không trả được nợ (ảnh: Wikimedia Commons).
Sri Lanka phải nhượng Cảng biển quốc tế Hambantota cho Trung Quốc 99 năm do không trả được nợ (ảnh: Wikimedia Commons).

Dữ liệu chính thức từ Bộ Tài chính Sri Lanka cho thấy Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số 35,1 tỷ USD nợ nước ngoài của nước này vào cuối tháng 4 năm 2021. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng con số đó có thể chỉ bao gồm nợ giữa chính phủ với chính phủ.

Một báo cáo được công bố vào tháng 6 của hai nhà kinh tế Sri Lanka cho thấy một bức tranh khác. Nhìn vào các khoản nợ công và được bảo lãnh công khai – bao gồm các khoản cho vay thương mại đối với chính phủ và các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước của Sri Lanka – thì tỷ trọng nợ Trung Quốc phải chiếm 20% tổng số nợ của Sri Lanka vào cuối năm ngoái.

Tỷ trọng này vượt qua bất kỳ nguồn cho vay nước ngoài nào khác ngoài trái phiếu chính phủ quốc tế, vốn chiếm 36% tổng số nợ, nhưng được phân bổ giữa các trái chủ khác nhau. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á chiếm 15% tổng nợ, Ngân hàng Thế giới chiếm 10% và Nhật Bản chiếm 9%.

Các chủ nợ khác nghi ngờ Bắc Kinh sẽ không khoan dung với Colombo, vì vậy họ cũng ngần ngại trong việc xóa nợ cho Sri Lanka.

“Nếu Trung Quốc không hợp tác, thì ngay cả khi chúng tôi xóa nợ, nó sẽ chỉ (khiến Sri Lanka) hướng tới việc trả nợ cho Trung Quốc”, một nguồn tin Nhật Bản liên quan đến viện trợ nước ngoài cho biết.

Dù vậy, giới quan sát vẫn đang chờ đợi xem chính phủ Wickremesinghe sẽ xử lý tình hình thế nào. Trái ngược với chế độ Rajapaksa vốn thân thiện với Trung Quốc, thì ông Wickremesinghe được coi là gần gũi hơn với Ấn Độ và phương Tây.