Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine dường như là cuộc khủng hoảng xa vời đối với các nước ASEAN như Việt Nam. Nhưng người Đông Nam Á nên lưu tâm đến chiến sự này, theo nhà phân tích David Hutt của tạp chí The Diplomat.

Thương mại của Ukraine với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rất nhạt nhòa. Trong khi đó, thương mại của Nga chỉ trị giá 18,2 tỷ USD vào năm 2019, khiến nước này trở thành đối tác thương mại bên ngoài lớn thứ chín của khối. Cả Moscow và Kyiv đều không phải là những nhà đầu tư lớn trong khu vực.

“Tuy nhiên, sự xâm lược vào một nền dân chủ lành mạnh, và cuộc chiến đầu tiên trên đất châu Âu trong nhiều thập niên, sẽ có những phân nhánh toàn cầu”, theo ông Hutt.

Một đối tác quan trọng của ASEAN là Nhật Bản đã tham gia cùng các nước phương Tây vào việc trừng phạt Nga. Hàn Quốc cũng có động thái tương tự.

Trong khi đó, “các chính phủ Đông Nam Á khá im lặng về vấn đề này”, ông Hutt viết.

Tại khu vực Đông Nam Á, mối quan ngại chủ yếu là Bắc Kinh. “Đối với họ, mọi con mắt sẽ đổ dồn về Trung Quốc”, theo nhà nghiên cứu Hutt.

Ông cho rằng: “Cuộc chiến hiện đang diễn ra ở Ukraine sẽ gây chia rẽ hơn nữa các nền dân chủ và các chế độ độc tài”.

Vì vậy, nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác dụng chống lại Moscow, thì các quốc gia này cũng có thể nhắm vào giải quyết tình trạng thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền ở các khu vực khác trên thế giới. “Ở Đông Nam Á, điều đó có nghĩa là Campuchia và Myanmar, và có thể là Philippines”, theo ông Hutt.

Nhưng nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây không ngăn cản được Nga xâm chiếm Ukraine, thì Bắc Kinh có thể sẽ có động lực “xâm lược Đài Loan hoặc leo thang sức ép ở Biển Đông”, theo nhà nghiên cứu David Hutt.

Trong trường hợp đó, các nước lân cận như Việt Nam sẽ trực tiếp cảm nhận được sức nóng từ cuộc xung đột.

Ông Hutt cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các loại hình trừng phạt mà các nền dân chủ phương Tây áp đặt đối với Nga.

Ông Hutt viết: “Bắc Kinh có thể giả định một cách hợp lý rằng họ sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt tương tự nếu cố gắng xâm lược Đài Loan”.

“Tuy nhiên, với việc các chính phủ phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hiện nay, nó sẽ cho Bắc Kinh một khoảng thời gian thích ứng, khiến bản thân trở nên kiên cường hơn nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với Trung Quốc trong tương lai. Như vậy, tất cả những điều này có thể khiến Trung Quốc ít bị tổn thương hơn trước các biện pháp của phương Tây”.

Trong khi Nga xâm lược Ukraine, Bắc Kinh có thể đang lợi dụng tình hình cho toan tính riêng. Nhà nghiên cứu Gordon Chang cho rằng rất có thể Trung Quốc sẽ làm theo Nga và xâm lược các nước láng giềng.

Quốc gia nào sẽ bị Trung Quốc đưa vào tầm ngắm? “Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ… Có Chúa mới biết họ sẽ nhắm vào những đâu”, ông Chang nói.

Cảm nhận chung của đa phần người dân ASEAN là không tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc. Cuộc khảo sát về “Tình trạng Đông Nam Á 2022” cho thấy 58.1% số người trả lời không tin Trung Quốc “làm điều đúng đắn” cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu.

Khoảng 77,3% số người nói rằng “Trung Quốc nên tôn trọng chủ quyền của đất nước tôi và không hạn chế các lựa chọn chính sách đối ngoại của đất nước tôi”.