Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain ngày 9/10 đã tuần tra tự do hàng hải quanh Hoàng Sa – quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo Reuters, tối 9/10, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ phát thông báo cho hay, cuộc tuần tra xung quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm “chứng minh rằng vùng biển này không nằm trong những gì Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của họ”.

Ảnh chụp màn hình hiển thị trên báo Tuổi Trẻ Online.

Tuổi Trẻ Online cho biết, người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ khẳng định hoạt động của tàu khu trục John McCain cho thấy những gì mà Trung Quốc cho là “thuộc chủ quyền hợp pháp” của Trung Quốc sẽ không được Mỹ thừa nhận.

“Các yêu sách hàng hải phi pháp ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển. Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải và các quyền khác trên biển”, nhà báo Ryan Browne của Đài CNN trích lời một sĩ quan Hải quân Mỹ.

Sau hành động của hải quân Mỹ, tài khoản WeChat chính thức của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gọi đây là sự “khiêu khích” và yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức”.

Thanh Niên cho biết, tuyên bố của hạm đội 7 đưa ra sau khi phát ngôn viên của chiến khu Nam bộ thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lớn tiếng rằng, PLA đã truy đuổi và theo dõi khu trục hạm USS John S. McCain, đồng thời cảnh báo chiến hạm này rời khỏi vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Hiện phía Việt Nam chưa đưa ra bình luận chính thức về cuộc tuần tra hiện tại của tàu Mỹ. Trước đó, tại cuộc họp báo vào chiều 1/10, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lên tiếng: “Cần phải nhắc lại một lần nữa là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đầy đủ của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Liên quan đến hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, mới đây ngày 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cảnh báo những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là một thách thức an ninh và kêu gọi NATO theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực, theo Đài CTV News.

Trước đó, Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Đức đã gửi văn bản ngoại giao hoặc công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.