Hàng nghìn người dân, chủ yếu tại Thái Nguyên; đã trở thành nạn nhân của mô hình đa cấp nấm Ngưu chương chi do công ty Ame Global điều hành. Bị cuốn vào lời hứa “lợi nhuận thụ động”; nhiều người không chỉ mất trắng tài sản mà còn phải gánh khoản nợ lớn.

Vỡ mộng làm giàu từ lời hứa “không cần làm gì”

Tại một quán cà phê nhỏ bên trong Nhà văn hóa Công nhân Gang thép, chị T.T.H.N (trú tại phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) không giấu nổi sự uất nghẹn. Chị kể: “Tháng 12-2024, tôi được giới thiệu đầu tư vào Ame Global bởi một người tên Trần Thị Thủy, tự xưng là bác sĩ đông y. Chỉ cần hơn 155 triệu đồng là được ‘đồng chia’ doanh thu toàn cầu, lên VIP1, hưởng lợi trọn đời”.

Với kỳ vọng mỗi tháng có thể nhận hơn 20 triệu đồng mà “không cần làm gì”; chị N. quyết định rót toàn bộ số tiền tích cóp. Nhưng đổi lại, chỉ nhận được vỏn vẹn 12 triệu đồng hoa hồng và 22 hộp nấm “Ngưu chương chi”. Sau đó, ứng dụng bị khóa, công ty đột ngột ngừng chi trả.

Ngồi cạnh chị N., bà N.T.H (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình) cho biết mình đã đầu tư đến 356 triệu đồng qua 24 mã – tất cả là tiền vay, có cả lãi suất cao. “Tôi mới thu về được 103 triệu đồng và một số sản phẩm. Giờ hệ thống im bặt, người mời tôi tham gia thì chặn liên lạc. Nợ thì vẫn còn đấy” – bà H. rơm rớm nước mắt.

Không chỉ họ, còn hàng trăm người khác – từ giáo viên, cán bộ hưu; công nhân đến người từng làm trong ngành tư pháp – cũng rơi vào cảnh tiền mất, nợ mang vì tin “giấc mơ làm giàu” mà Ame Global vẽ nên.

Chiêu trò tinh vi: Mượn danh quốc tế, dựng uy tín giả

Đường dây đa cấp Ame Global hoạt động có tổ chức; với hơn 100 thành viên trong nhóm Zalo “TEAM Ameglobal”. Người đứng đầu được xác định là Trần Thị Thủy. Họ chia sẻ hình ảnh công ty, giấy phép kinh doanh; chứng nhận sản phẩm quốc tế… tạo dựng lòng tin tuyệt đối.

Công ty được giới thiệu có trụ sở tại Cao Hùng (Đài Loan), công ty con tại TP. Hồ Chí Minh với người đại diện là ông HUANG WEN YEN. Các giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận SGS, video nhà máy, hình ảnh trụ sở chính… được lan truyền mạnh qua Zoom, Zalo, khiến nhiều người dễ bị thuyết phục.

Người tham gia đầu tư khoảng 15 triệu đồng sẽ nhận được 2 hộp nấm, rồi được đưa vào hệ thống theo mô hình nhị phân gồm 20 tầng. Thu nhập “hấp dẫn” được quảng bá bao gồm: 10% doanh số toàn cầu, 5% từ 20 tầng tuyến dưới; thưởng lãnh đạo, thưởng trung tâm đào tạo, đồng chia doanh số…

Nấm “Ngưu chương chi” cũng được quảng bá như “quốc bảo Đài Loan”, có thể trị từ tiểu đường; đau khớp đến ung thư, đột quỵ. Các video “hồi sinh kỳ diệu” được phát đi phát lại như một cách thao túng tâm lý người xem.

Sản phẩm nấm “Ngưu chương chi” được quảng bá có thể chữa từ đau khớp, tiểu đường đến… ung thư và đột quỵ (Ảnh: Internet)

Thất vọng, hoang mang và hệ lụy khó lường

Tháng 5-2025, hệ thống Ame Global bắt đầu giảm mạnh tiền chia thưởng, rồi khóa app hoàn toàn. Nhiều người không truy cập được, không nhận được hoa hồng, mới nhận ra bản thân chưa từng ký hợp đồng hay gặp đại diện pháp lý – tất cả chỉ là lời hứa qua Zalo.

Chị N. bức xúc: “Lúc mời gọi thì nói ngọt như mía lùi, giờ chỉ còn tin nhắn lạnh lùng trong nhóm: ‘Công ty đã vi phạm thỏa thuận và không thực hiện lời hứa bồi thường’. Rồi họ còn mời gọi tiếp vào hệ thống mới. Không thể chấp nhận được!”.

Ông Đ.N.T (thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình) thì lo lắng: “Chúng tôi không chỉ mất tiền, mà còn lo sản phẩm nấm Ngưu chương chi chưa được kiểm nghiệm độc lập; dùng vào người liệu có ảnh hưởng gì sau này không?”.

Cảnh tỉnh từ “tảng băng chìm” đa cấp trá hình

Đây không phải lần đầu mô hình đa cấp trá hình gây náo động ở Thái Nguyên. Từ năm 2005, hình thức lừa đảo này từng bị phanh phui nhưng nay vẫn tái diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng loạt người – đặc biệt là người cao tuổi – đã dốc hết tiền tiết kiệm vào “cỗ máy hút máu”.

Cuối tháng 5-2025, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Cục An ninh mạng và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây đa cấp liên quan nấm “Ngưu chương chi”. 12 đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam; trong đó có Đồng Thị Minh Thắng (SN 1982, trú tại Thái Nguyên).

Theo kết quả điều tra ban đầu, hệ thống này có giao dịch hàng nghìn tỷ đồng; liên quan đến hơn 9.000 người – gồm hơn 7.000 người Việt Nam và hơn 2.000 người từ Đài Loan, Malaysia. Riêng tại Thái Nguyên đã có nhiều nạn nhân gửi đơn tố cáo.

Câu chuyện về mô hình đa cấp nấm Ngưu chương chi là lời cảnh tỉnh đắt giá về sự nhẹ dạ và lòng tham bị khai thác một cách tinh vi. Làm giàu không bao giờ dễ dàng, đặc biệt là khi niềm tin bị đặt nhầm chỗ. Cần hơn sự tỉnh táo từ mỗi người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng; để không ai trở thành nạn nhân tiếp theo của những “giấc mộng hão huyền” được vẽ bằng chiêu trò lừa đảo.

Theo: Baothainguyen