Với 12 ca dương tính (9 người Đăk Nông và 2 ở Gia Lai) vừa được ghi nhận trong hôm nay, nâng tổng số bệnh nhân bạch hầu ở Tây Nguyên lên 57.

Cho biết trên tờ VnExpress vào trưa 7/7, ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, 3 bệnh nhân mới của tỉnh đều là người làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa – nơi xuất hiện ca bạch hầu đầu tiên là bé trai 4 tuổi đã tử vong. 13 trường hợp còn lại ở Gia Lai đều là người thân của em bé tử vong.

Hiện làng Bông Hiot với hơn 1.400 người cũng đã được phong tỏa, cách ly, khử khuẩn. 

Trong khi đó, tỉnh Đăk Nông ghi nhận thêm 9 ca dương tính bạch hầu mới, tại xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp. Như vậy, Đăk Nông hiện ghi nhận 25 ca bạch hầu, trong đó hai người tử vong.

Đến sáng nay Tây Nguyên ghi nhận tổng cộng 57 ca bạch hầu, trong đó 25 ở Đăk Nông, 22 tại Kon Tum, 13 Gia Lai. Ba em bé đã tử vong.

Nhiều chốt chặn được lập tại các vùng dịch để ngăn ngừa dịch bệnh
Ảnh chụp màn hình báo Công Lý.

Triệu chứng khi bị bệnh bạch hầu là gì?

Có khá nhiều triệu chứng xuất hiện trong 2 đến 5 ngày sau khi phơi nhiễm. Ban đầu người nhiễm bệnh sẽ bị đau họng, ho và sốt kèm ớn lạnh. Các triệu chứng này tăng dần từ nhẹ đến nặng hơn. Chính vì triệu chứng khá phổ biến nên cha mẹ dễ nhầm tưởng trẻ chỉ đơn giản đang bị cảm lạnh, chứ không phải đang phơi nhiễm với vi khuẩn bạch hầu.

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau:

Bệnh bạch hầu mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám, có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Những trường hợp nhiễm độc nặng, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Đây là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn giọng, ho ông ổng. Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.