Giấy khai sinh của một người Việt Nam tại đảo Hoàng Sa là “bằng chứng hữu ích” cho tuyên bố chủ quyền của đất nước. Trang BenarNews hôm 12/4 đã có bài trích dẫn ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Đó là một bản sao giấy khai sinh do chính quyền Đông Dương (thời Pháp thuộc) cấp vào tháng 6 năm 1940 cho con gái của ông Mai Xuân Tập, một nhân viên khí tượng nhà nước khi đó làm việc tại đảo Hoàng Sa.

Theo tờ giấy khai sinh, bé gái Mai Kim Quy sinh ngày 7 tháng 12 năm 1939, là con của ông Tập và bà Nguyễn Thị Thắng. Nơi sinh là đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa, nước An Nam (tên gọi của Việt Nam trong thời Pháp thuộc).

Đảo Hoàng Sa là một đảo san hộ thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông. Đảo này là căn cứ chính của Đông Dương thời thuộc địa Pháp và về sau do chính quyền miền nam Việt Nam chiếm đóng.

Bài báo của BenarNews viết: Tờ giấy khai sinh của bà Mai Kim Quy là “bằng chứng mới có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng”.

“Như vậy, điều này cho thấy lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp mà trong đó có Việt Nam, đã quản lý hành chính đối với đảo Hoàng Sa và người Việt đã tới làm việc ở đó”.

Tời giấy khai sinh năm 1940 được cấp cho bé gái Mai Kim Quy tại đảo Hoàng Sa
Tời giấy khai sinh năm 1940 được cấp cho bé gái Mai Kim Quy tại đảo Hoàng Sa (ảnh: BenarNews).

BenarNews viết: “Đây có thể là một bằng chứng quan trọng khi mà các bên tranh chấp chủ quyền đối với những thực thể tại Biển Đông muốn tìm kiếm để chứng tỏ họ là người đầu tiên có sự hiện diện chính thức tại đó.”

Chuyên gia nói gì về tờ giấy khai sinh năm 1940 tại đảo Hoàng Sa?

Ông Bill Hayton, chuyên gia của Chương trình Nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng Gia Anh, cho rằng giấy Khai sinh của bà Mai Kim Quy có thể làm bằng chứng lịch sử về hoạt động hành chính thực tế ở Hoàng Sa.

Ông nói: “Theo lập luận của tôi thì giấy khai sinh này không làm lay chuyển mang tính quyết định đối với những luận cứ; nhưng nó là một bằng chứng rất hữu ích chứng tỏ An Nam vào thời gian đó đã chiếm đóng thực sự một số đảo ở Hoàng Sa.”

Tờ giấy khai sinh cho bé gái Mai Kim Quy tại đảo Hoàng Sa bằng tiếng Pháp, và bản dịch tiếng Việt (ảnh: VOV).
Tờ giấy khai sinh cho bé gái Mai Kim Quy tại đảo Hoàng Sa bằng tiếng Pháp, và bản dịch tiếng Việt (ảnh: VOV).

Ông Hayton lưu ý: Nếu Việt Nam dùng tờ giấy khai sinh này để thực hiện vụ kiện nào đó ở một tòa án quốc tế, thì “phía Trung Quốc cũng sẽ trưng ra những bằng chứng của riêng họ, và các thẩm phán sẽ quyết định chứng cứ nào mạnh hơn”.

Chuyên gia Anh Quốc cho biết: “Những trường hợp như thế không thể được quyết định bằng những tuyên bố mơ hồ hoặc những cái tên in trên bản đồ, mà phải dựa trên những minh chứng rằng một nước có kiểm soát hành chính đối với một thực thể – và việc cấp giấy khai sinh trên đảo cho một công chức là một bằng chứng khá mạnh cho điều đó.”

Tuy nhiên, một số sử gia đã bác bỏ lập luận của ông Bill Hayton.

Nhà nghiên cứu độc lập kiêm chuyên gia về lịch sử và luật pháp hàng hải Trung Quốc, ông Mark Hoskin, cho rằng: “Chính quyền Pháp thời đó chỉ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa trước khi bất kỳ cường quốc nào làm điều đó”.

Việc Pháp chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là vì Nhật Bản đã chiếm đảo Hải Nam và thực hiện phong tỏa đường bờ biển phía nam Trung Quốc.

Ông Hoskin nói thêm: “Do đó việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Pháp mang lý do chiến lược và quân sự; chứ không liên quan đến chủ quyền. Chính những tuyên bố của Pháp cũng phủ nhận việc họ đưa ra tuyên bố chủ quyền nào (đối với quần đảo Hoàng Sa).”

Dù vậy, tờ giấy khai sinh năm 1940 tại đảo Hoàng Sa vẫn là một bằng chứng có giá trị giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Gia đình ông Mai Xuân Tập đã tặng tờ giấy khai sinh cho Bộ Ngoại giao Việt Nam lưu giữ.