“Trong tôi vẫn còn một băn khoăn là xét nghiệm nhanh do CDC Hà Nội thực hiện. Đây là phương pháp mới triển khai nhưng rõ ràng hiệu quả cần bàn luận. Sức lực của anh em CDC bỏ ra là rất lớn. Chúng tôi cũng là đơn vị đi lấy mẫu rà soát ở sân bay, bệnh viện Bạch Mai nên hiểu rất rõ những vất vả này. Tuy nhiên, tỷ lệ dương tính được xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR là âm tính chiếm tất cả các mẫu cho đến thời điểm này. Trong Y học, chúng tôi có thể gọi là dương tính giả trong chẩn đoán bệnh.

Tìm hiểu kỹ, tôi thấy tỷ lệ âm tính giả cũng có và không phải nhỏ ở những bệnh nhân mới nhiễm Covid-19 mà cơ thể chưa kịp sản sinh ra kháng thể. Nguyên lý của xét nghiệm nhanh đang được CDC Hà Nội sử dụng nhằm phát hiện sự có mặt của kháng thể IgM/IgG kháng Sars-Cov-2 tồn tại trong máu của đối tượng được xét nghiệm. Giai đoạn đầu của nhiễm virus, 3 đến 7 ngày tùy thuộc vào từng bệnh nhân, cơ thể chưa sản sinh đủ kháng thể kháng Sars-Cov-2 nên xét nghiệm nhanh lúc này cho ra kết quả âm tính. Trong khi ở giai đoạn này, bệnh nhân hoàn toàn có khả năng lây truyền virus ra cộng đồng mà chỉ xét nghiệm RT-PCR mới chẩn đoán được.  

Khi kết quả xét nghiệm nhanh IgG/IgM dương tính thì có thể nói đối tượng đã từng nhiễm virus, nhưng liệu còn tồn tại virus trong cơ thể hay không thì vẫn phải thực hiện phản ứng RT-PCR để khẳng định. Ngoài ra, giá trị của kết quả dương tính này còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu, ví dụ như có phản ứng chéo với các virus khác hay không. Tôi rất lo lắng khi đọc những dòng “người dân mừng rỡ khoe kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19”. Liệu những người nhận kết quả âm tính này có tiềm tàng nhiễm virus song không được giải thích cặn kẽ của bác sỹ chuyên ngành sẽ chủ quan mà nơi lỏng các liệu pháp phòng hộ hay không?  

Qua trao đổi với Giáo sư trưởng phòng xét nghiệm sinh học phân tử lớn của Hàn Quốc, quê hương của các loại xét nghiệm nhanh, tôi được biết họ sử dụng rộng rãi xét nghiệm RT-PCT với số lượng lên tới 12.000 xét nghiệm mỗi ngày. Phòng lab của giáo sư mà tôi liên lạc thực hiện 4.000 xét nghiệm một ngày. Còn xét nghiệm nhanh có triển khai nhưng giá trị thật sự hạn chế.

Chính vì vậy, với các xét nghiệm nhanh bằng lấy máu tìm kháng thể, theo tôi cần rà soát, thống nhất lại chỉ định, quy trình lấy mẫu và thông báo kết quả. Ví dụ, xét nghiệm nhanh sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi bệnh nhân cần mổ cấp cứu không trì hoãn mà có yếu tố dịch tễ; hay khi có ổ dịch khu trú cần kiểm tra nhanh để dự đoán mức độ nguy hiểm; hay áp dụng khi tiếp nhận bệnh nhân mới tại các bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ y tế đang cần bảo toàn cho công cuộc chống dịch còn dài… Tuy nhiên, cần ưu tiên làm lại ngay bằng xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác dương tính trước khi chúng ta tìm kiếm, cách ly tiếp các F1, F2 làm ảnh hưởng đến hàng trăm hay hàng ngàn người, tiêu tốn nhân lực y tế và sinh phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng.

Chúng ta đang nỗ lực làm rất tốt công cuộc chống dịch. Tuy nhiên, đây là dịch bệnh xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử nên diễn biến và cách xử trí có thể thay đổi cho phù hợp mỗi thời điểm. Dù chúng ta cùng một ý nguyện sớm đẩy lui dịch bệnh, nhưng nếu thấy chưa hợp lý, cần khẩn trương chuyển đổi cách thực thi. Đó mới là cách làm vừa có tâm vừa có tầm”.

(Trích bài viết “Xét nghiệm nhanh” của tác giả – Phó giáo sư, tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đăng trên mục Góc nhìn – báo VnExpres sáng 4/4.2020. Nội dung tiêu đề đoạn trích dẫn do Biên tập viên trang tin 360 biên soạn.

Để hiểu sâu hơn về nội dung bài viết và quan điểm của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, quý độc giả có thể đọc toàn bộ bài viết trên link gốc: https://vnexpress.net/goc-nhin/xet-nghiem-nhanh-4079333.html .)