Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng thâu tóm bằng vũ lực. Mỹ có đạo luật yêu cầu Washington phải bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc tấn công.

Quan hệ Trung Quốc và Đài Loan là một trong các tin tức thế giới nổi bật sáng nay, thứ Bảy ngày 17/10/2020:

Trung Quốc chưa dám xâm lược Đài Loan

Trung Quốc không dám xâm lược Đài Loan ngay lúc này, nhưng Đài Loan cần phải “tự củng cố” để sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công trong tương lai. Đó là nhận định của Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien trong một diễn đàn trực tuyến của Viện Aspen hôm 16/10, theo Reuters.

Ông O’Brien cho rằng Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc đến phản ứng của Mỹ, và vì vậy việc tấn công Đài Loan sẽ là “một hoạt động khó khăn đối với người Trung Quốc”.

Ông cũng cảnh báo về khả năng Trung Quốc sẽ dùng chiến lược nào đó để cô lập Đài Loan thông qua các biện pháp phi quân sự, như cấm vận.

Giáo viên Pháp bị chặt đầu trên phố

Euro News hôm 16/10 đưa tin, cảnh sát Pháp cho biết một giáo viên đã bị chặt đầu trên một con phố gần thủ đô Paris vào khoảng 5 giờ chiều. Vụ việc xảy ra sau khi ông tổ chức một buổi thảo luận trong lớp với các học sinh cấp 2 về bộ phim hoạt hình liên quan đến nhà tiên tri Muhammad trong đạo Hồi.

Kẻ tấn công ông được cho là một thanh niên Nga 18 tuổi, gốc Chechnya, sinh ra ở Moscow. Giới chức Pháp đang tiến hành một cuộc điều tra chống khủng bố.

Con trai Biden giúp Trung Quốc ‘gặp riêng’ chính quyền Obama

Breitbart hôm 16/10 đưa tin về các email mới phát hiện cho thấy Hunter Biden, con trai ứng viên tổng thống Joe Biden, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có các cuộc “gặp riêng” với chính quyền Obama như thế nào: Chi tiết.

Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhìn ông Tập Cận Bình, khi ông Tập thăm Nhà Trắng trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc (ảnh: Nhà Trắng).
Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhìn ông Tập Cận Bình, khi ông Tập thăm Nhà Trắng trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc (ảnh: Nhà Trắng).

Ông Joe Biden, cấp phó của Tổng thống Obama, là người đã ngăn hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông từ năm 2012-2015, nhằm tránh làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc. Trong thời gian đó, Trung Quốc tranh thủ xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Thủ tướng Canada bác bỏ hăm dọa từ Bắc Kinh

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 16/10 tuyên bố nước này sẽ tiếp tục bảo vệ nhân quyền ở Trung Quốc, SCMP dẫn tin từ AFP.

Ông Trudeau phát biểu: “Chúng tôi sẽ đứng lên bảo vệ nhân quyền một cách mạnh mẽ trên toàn thế giới, cho dù đó là tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ, hay tình rất đáng quan ngại ất đáng lo ngại ở Hồng Kông, cũng như lên án Trung Quốc về chính sách ngoại giao cưỡng chế của họ”.

Tổng thống Mỹ Donald J. Trump gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Luân Đôn, Anh Quốc ngày 3/12/2019 (ảnh: Nhà Trắng).
Tổng thống Mỹ Donald J. Trump gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau ở Luân Đôn, Anh Quốc ngày 3/12/2019 (ảnh: Nhà Trắng).

Ông Trudeau đưa ra tuyên bố này sau khi đại sứ Trung Quốc tại Canada cảnh báo Ottawa không được cấp tị nạn cho các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông.

Bảo tàng Pháp ngừng triển lãm về Mông Cổ sau áp lực từ Trung Quốc

New Europe hôm 16/10 trích dẫn tin France24, cho biết một bảo tàng của Pháp đã tạm dừng triển lãm về nhà lãnh đạo Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn do chịu áp lực từ chính quyền Trung Quốc.

Vụ việc xảy ra tại một bảo tàng lịch sử ở thành phố Nantes, miền Tây nước Pháp vào ngày 12/10. Khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu cuộc triển lãm gỡ bỏ một số từ, bao gồm “Thành Cát Tư Hãn”, “Đế chế” và “Mông Cổ”. Sau đó, họ yêu cầu cuộc triển lãm phải cho phép các quan chức Trung Quốc tiếp quản quyền kiểm soát các văn bản, bản đồ và tài liệu quảng cáo được cung cấp cho công chúng.

Ông Justin Urquhart Stewart, nhà đồng sáng lập Regionally, nền tảng đầu tư khu vực hàng đầu của Anh, nói với New Europe rằng Trung Quốc đang cố gắng viết lại bất kỳ giai đoạn lịch sử nào không phù hợp với tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Họ viết lại lịch sử, vì vậy họ có phiên bản của họ”, ông Stewart nói. “Tôi e rằng các bạn sẽ thấy nhiều vụ việc như thế này hơn nữa”.

Myanmar tước bỏ quyền bầu cử của hơn 1,1 triệu cử tri

CNA đưa tin ủy ban bầu cử Myanmar hôm 16/10 công bố dữ liệu cho thấy hơn 1,1 triệu cử tri ở bang Rakhine ở phía tây nước này sẽ bị tước quyền bầu cử.

Các chuyên gia cảnh báo rằng động thái này có thể gây thêm xung đột ở Myanmar.

Quốc gia này đã tước bỏ quyền bầu cử của hầu hết tất cả những người Hồi giáo Rohingya. Khoảng 1 triệu người Rohingya đã chạy khỏi Myanmar sau khi xảy ra cuộc đàn áp của quân đội nước này.