Trận động đất mạnh tại Myanmar vào ngày 28/3 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước lân cận, trong đó có Thái Lan. Đáng chú ý, một tòa nhà chọc trời thuộc Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan đã sụp đổ hoàn toàn.

Đơn vị thi công dự án này là một công ty xây dựng đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các bài báo liên quan đến sự việc này nhanh chóng biến mất khỏi truyền thông Trung Quốc, làm dấy lên nhiều nghi vấn.

Tòa nhà mới xây sập hoàn toàn sau động đất

Theo tờ Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan, tòa nhà chọc trời bị sập thuộc Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan và do Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (China Railway No.10 Engineering Group – CRCC) thi công.

Cư dân mạng nhanh chóng phát hiện rằng vào năm ngoái, công ty này từng đăng bài chúc mừng việc hoàn thành phần cất nóc của công trình, thậm chí còn tuyên bố đây là “dấu ấn quan trọng” cho sự phát triển của doanh nghiệp tại Thái Lan. Tuy nhiên, ngay sau khi thảm họa xảy ra, bài đăng này đã bị âm thầm xóa bỏ, khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng công trình.(Bài viết bị xóa vẫn còn được lưu trữ trên mạng, xem tại đây).

Hôm 28/3/2025, tòa nhà đang được xây dựng của Văn phòng Kiểm toán Thái Lan đã bị sập do ảnh hưởng của trận động đất xảy ra cách xa hàng ngàn km. Đơn vị thi công – doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc Cục 10 Đường sắt Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ các bài viết tuyên truyền từ năm ngoái. Hình ảnh bên phải ảnh chụp lễ cất nóc tòa nhà được đăng trên trang web của công ty. (Ảnh chụp màn hình)

Trang Facebook “Chiang Mai Elephant”, chuyên đưa tin về Thái Lan, cũng đăng bài đặt câu hỏi về sự việc:

“Toàn Bangkok có hàng trăm tòa nhà cao tầng đang xây dựng, vậy mà chỉ có mỗi tòa này sập. Một tòa nhà hoàn toàn mới, từng được gọi là ‘dấu ấn quan trọng’, nay lại sụp đổ tan tành. Thói quen khoe khoang quá đà này mãi không sửa được. Chúng ta hãy chờ xem, sau vụ này liệu Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Thái Lan có giám sát kỹ hơn các dự án liên quan đến Trung Quốc hay không!”

Truyền thông Trung Quốc im lặng, bài báo bị gỡ bỏ

Truyền thông Trung Quốc ban đầu cũng đưa tin về vụ sập tòa nhà này. Cụ thể, trang iFengWangyi từng đăng tải thông tin rằng dự án là sự hợp tác giữa Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc và một doanh nghiệp Thái Lan. Đồng thời, họ cũng xác nhận rằng công ty này đã xóa bài đăng chúc mừng trước đó.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 24 giờ sau, toàn bộ các bài viết liên quan đến sự cố đều bị gỡ khỏi các nền tảng truyền thông Trung Quốc. Khi tìm kiếm từ khóa “中铁十局” (Cục 10 Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc), không có bất kỳ thông tin nào về vụ việc xuất hiện trên mạng Internet tại Trung Quốc.

Thậm chí, tài khoản Weibo chính thức của Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) cũng hoàn toàn không đề cập đến sự kiện này. Bài đăng mới nhất của họ chỉ dừng lại ở nội dung tuyên truyền về “Ngày Nước Thế giới” và chiến dịch bảo vệ nguồn nước, khiến nhiều người bức xúc.

Sự im lặng này làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong cộng đồng mạng Trung Quốc:

  • “Tòa nhà do Cục 10 thi công đã sập, có thể đưa ra thông tin cụ thể được không?”
  • “Sao lại làm như thể chẳng có chuyện gì xảy ra vậy?”
  • “Rốt cuộc Cục 10 có thuộc CRCC quản lý không?”

Chuyên gia xây dựng lên tiếng về nguyên nhân sập tòa nhà

Sau khi vụ sập xảy ra, nhiều cư dân mạng tìm lại bài viết trước đó của Cục 10 CRCC, trong đó họ từng quảng bá rằng công trình sử dụng “sàn không dầm” làm vật liệu xây dựng. Điều này dẫn đến nhiều nghi vấn về khả năng kháng chấn của loại vật liệu này.

Kiến trúc sư kiêm nhà sáng lập UniHub (Đài Loan) Tạ Côn Lâm đã đăng bài trên Facebook khẳng định rằng “sàn không dầm” không phải nguyên nhân khiến tòa nhà sụp đổ. Theo ông, nguyên nhân thực sự là do thi công kém chất lượng và cắt xén vật liệu xây dựng.

Ông đã phân tích đoạn video ghi lại khoảnh khắc tòa nhà bị sập và chỉ ra rằng “lõi trung tâm” của công trình (còn gọi là “khung thép lõi trung tâm” ở Đài Loan) đã đổ trước tiên. Đây là phần quan trọng nhất của một tòa nhà cao tầng, có chức năng như cột sống của công trình, chịu lực chính và bảo vệ hệ thống thang máy, cầu thang, đường ống cấp thoát nước, điện và thông tin liên lạc.

Ông giải thích rằng tại Đài Loan, nơi thường xuyên xảy ra động đất, các quy định xây dựng yêu cầu phần lõi trung tâm phải chịu được lực địa chấn cực mạnh. Khi động đất xảy ra, phần lõi này đóng vai trò như nhóm cơ cốt lõi của cơ thể, giúp giữ vững sự ổn định của công trình.

Sau khi phân tích chi tiết từng khung hình trong video, ông kết luận rằng tòa nhà bị sập do phần lõi trung tâm yếu kém, dẫn đến toàn bộ công trình bị kéo đổ theo.

Dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về chất lượng công trình

Vụ sập tòa nhà ở Bangkok không chỉ gây lo ngại về chất lượng các dự án xây dựng của Cục 10 CRCC, mà còn làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý xây dựng tại Thái Lan. Liệu sau sự cố này, chính quyền Thái Lan có siết chặt hơn các tiêu chuẩn giám sát đối với các công ty xây dựng nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc?

Sự việc này vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận và những diễn biến tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian tới.