Vương Tương Tuệ, giáo sư của Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh cho biết tàu sân bay Trung Quốc đã bắn 2 tên lửa trúng một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Vụ bắn trúng này được tiến hành vào tháng 8 vừa qua. Thời điểm đó chỉ có thông tin là tên lửa bị hỏng và rơi xuống biển. Câu hỏi giới quan sát đặt ra là vì sao Trung Quốc tiết lộ tàu sân bay ‘bắn trúng mục tiêu’ trên Biển Đông vào thời điểm này.

Tiết lộ thông tin về tàu sân bay Trung Quốc bắn 2 tên lửa trúng mục tiêu trên Biển Đông

Theo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hồi tháng 8 vừa qua. 2 tên lửa của tàu sân bay Trung Quốc đã bay hàng nghìn cây số. Nó đã trúng vào mục tiêu giả định là một con tàu đang di chuyển ở vị trí gần quần đảo Hoàng Sa. Thông tin này được ông Vương Tương Tuệ, cựu đại tá quân đội, hiện là giáo sư thuộc Đại học Bắc hàng ở Bắc kinh cho biết.

Đó là 2 tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D đã được bắn từ tỉnh Thanh Hải và tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. 2 tên lửa này đã đã bắn trúng mục tiêu là một con tàu đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Ông Vương cho biết: “Ngay sau đó, một tùy viên quân sự Mỹ tại Geneva đã phàn nàn, nói rằng điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu như 2 tên lửa đó bắn trúng một tàu sân bay Mỹ. Mỹ xem đây là sự phô trương lực lượng. Nhưng chúng tôi đang làm điều này vì sự khiêu khích của họ”.

Cựu đại tá Vương Tương Tuệ còn nói thêm rằng các vụ phóng tên lửa là “lời cảnh báo trực tiếp” tới Mỹ, “yêu cầu nước này không nên có bất kỳ sự mạo hiểm quân sự nào”.

Tên lửa DF-41 tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh (ảnh chụp màn hình Báo quốc tế).

Thông tin về vụ bắn trúng mục tiêu của hai tên lửa nhằm vào các nước láng giềng

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế dẫn lời giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, một chuyên gia về Biển Đông, rằng việc tiết lộ thông tin của cựu đại tá Trung Quốc không thể là một “cảnh báo” đối với Mỹ. Giáo sư Long nói “Tiết lộ ra là để doạ các nước trong khu vực thôi chứ không phải để doạ Mỹ”.

Giáo sư Long giải thích rằng: “Muốn vận hành hàng không mẫu hạm thì phải cần thời gian rất lâu và phải có bao nhiêu chiến hạm khác xung quanh. Trung Quốc mới có hai hàng không mẫu hạm gần đây thôi nên không thể so sánh với Mỹ. Mỹ đã có hàng không mẫu hạm từ lâu rồi và họ liên tục sử dụng các hàng không mẫu hạm này”.

Ông Long lý giải thêm rằng: “Họ tiết lộ chuyện đó có thể không phải là vì thấy sự thay đổi quyền lực ở Mỹ. Vì dù sao đi nữa thì chính sách của Mỹ ở Biển Đông và trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng vẫn tiếp tục thôi”.

Cuộc tập trận bắn tên lửa đó đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc trình diễn khả năng tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa. Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc lên tiếng: “Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại về quyết định gần đây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành các cuộc tập trận quân sự, bao gồm cả bắn tên lửa đạn đạo, xung quanh quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông từ ngày 23 – 29/8”. Theo Lầu Năm góc, tên lửa DF-21D có tầm bắn tối đa hơn 1.500 km, trong khi DF-26 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 2.500 km.

Cũng trong tháng 11 này, dự luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc có thêm điều khoản số 19. Theo đó trao quyền rất lớn cho hải cảnh Trung Quốc được sử dụng vũ khí tối tân chống lại các tàu thuyền và ngư dân hoặc các đối tượng bên ngoài xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc.

Hoàng sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước biển quốc tế, tuy nhiên Trung Quốc vẫn luôn coi Hoàng sa thuộc chủ quyền của họ. Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ phía Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển.