Hà Lan kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng mạnh mẽ hơn trước những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, coi đây là một điểm then chốt của chiến lược “Tầm nhìn Hà Lan”.

Hãng Benarnews đưa tin, trong văn kiện chính sách có tên “Tầm nhìn Hà Lan” về chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được công bố hôm 13/11, Bộ Ngoại giao Hà Lan đã kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn về những vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Văn kiện chính sách mới ghi rõ: “EU nên tìm kiếm hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo tự do qua lại và an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, EU phải thể hiện mình một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn về những diễn biến vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đang xảy ra ở Biển Đông”.

Năm 2016, một tòa trọng tài đã ra phán quyết rằng hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là bất hợp pháp theo UNCLOS. Trung Quốc đã bị nhiều nước trong đó có Mỹ và Úc chỉ trích vì hành động coi thường luật pháp quốc tế.

Hà Lan chỉ ra những quan ngại ở Biển Đông, trong đó có sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng đi qua vùng biển này. Hà Lan kêu gọi không để Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành “một cuộc chơi giữa các cường quốc”.

Trong văn kiện, Bộ Ngoại giao Hà Lan cho rằng  Bắc Kinh ngày càng bành trướng trong việc mở rộng kinh tế cũng như sử dụng các công cụ dân sự và quân sự nhằm đạt được “các mục tiêu chiến lược”.

Trung Quốc luôn tỏ ra hung hăng trong việc khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông. Nước này thường cử tàu tuần duyên và tàu dân quân biển xâm nhập vùng biển của các nước khác. Nó cũng liên tục tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong khu vực, với cuộc tập trận gần đây nhất diễn ra ở cực bắc của Biển Đông trong suốt tuần.

Là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu của EU sang các nước ASEAN, Hà Lan cũng chỉ ra việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp, quân sự hóa Biển Đông dường như gây khó khăn cho nước này trong hoạt động giao thương đến khu vực. Bộ Ngoại giao Hà Lan đã đề xuất trao cho EU vai trò cố vấn hoặc quan sát viên trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN về một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Các quốc gia châu Âu gần đây đã có quan điểm chỉ trích mạnh mẽ về các hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực. Cuộc khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu châu Á có trụ sở tại Bratislava cho thấy, quan điểm của các  nước châu Âu về Trung Quốc là tiêu cực, trong đó Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển và Cộng hòa Séc dẫn đầu.

Thời gian qua, nhiều quốc gia cũng lên tiếng về những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Mới đây, Canada đã kịch liệt chỉ trích tình hình căng thẳng ở Biển Đông khi cho rằng những gì Trung Quốc “thể hiện ở Biển Đông rõ ràng là đáng lo ngại”. Nước này cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phải cho thế giới thấy sự đoàn kết trong việc gửi đi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Bắc Kinh.