Tờ Il Manifesto của Ý ngày 11/8 đưa tin về sự kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu hồi đại sứ của họ tại Lithuania. Theo bài báo phân tích, trong bối cảnh Cộng hòa Séc và Slovakia đã viện trợ vắc xin cho Đài Loan trước cả Lithuania, điều này cho thấy lập trường của nhiều nước ở Trung và Đông Âu đã thay đổi từ thân Trung Quốc sang chống Cộng sản. 

Trước việc Trung Quốc thông báo triệu hồi đại sứ tại Lithuania hôm 10/8 vì quốc gia châu Âu này cho Đài Loan mở văn phòng đại diện ngoại giao, nghị sĩ Lithuania Matas Maldeikis bình luận trên Facebook rằng: Bắc Kinh sẽ triệu hồi các đại sứ ở nước ngoài bất cứ khi nào họ không hài lòng, nhưng đại sứ thường âm thầm trở lại sau nửa năm. Việc này luôn xảy ra như vậy trong quá khứ, và ông tin rằng lần này cũng sẽ thế, theo Sound of Hope.

Phân tích động thái của ĐCSTQ hiện đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, tờ Il Manifesto chỉ ra rằng kế hoạch ban đầu của ĐCSTQ là dùng các nước Trung và Đông Âu, vốn là hàng rào đầu tiên, làm cửa ngõ vào Châu Âu. Tuy nhiên chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ở khu vực này đang va phải một bức tường lớn. Việc triệu hồi đại sứ khiến quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Lithuania leo thang căng thẳng.

Đài Loan hiện chỉ có quan hệ ngoại giao chính thức với Vatican ở châu Âu, tuy nhiên Lithuania đã xích lại gần Đài Loan hơn trong gần một năm qua.

Vào tháng 3/2020, Lithuania thông báo thành lập văn phòng đại diện tại Đài Loan, đến tháng 7/2021, Đài Loan cho biết sẽ thành lập văn phòng đại diện mang tên “Đài Loan” tại Lithuania, thay vì tên “Đài Bắc” như tại các nước châu Âu khác, đây sẽ là là đại sứ quán thực sự của Đài Loan tại Lithuania. Quyết định này khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận và ngay lập tức triệu hồi đại sứ tại thủ đô Vilnius.

EU, Hoa Kỳ và Đài Loan bày tỏ sự ủng hộ đối với Lithuania

Ngày 10/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lên án hành động trả đũa của Bắc Kinh, và ủng hộ việc phát triển quan hệ giữa các đồng minh châu Âu và Đài Loan, đồng thời phản đối các hành động ép buộc của Bắc Kinh .

Cùng ngày, người phát ngôn EU Nabila Massrali đưa ra một tuyên bố rằng bà “rất tiếc” về hành động của Trung Quốc và sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến. Bà Massrali cho biết “sự phát triển quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia thành viên trong EU chắc chắn có tác động đến mối quan hệ tổng thể của EU và Trung Quốc. Chúng tôi không coi việc mở văn phòng đại diện tại hoặc từ Đài Loan là vi phạm chính sách một Trung Quốc của EU”.

Tờ báo chỉ ra rằng Bắc Kinh đã gây áp lực ngoại giao để buộc chính phủ Guyana ở Nam Mỹ phải rút văn phòng tại Đài Loan vào tháng 2/2021. Nhưng lần này Lithuania đã không nhượng bộ. Chính phủ Lithuania tuyên bố tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc và vẫn nhấn mạnh rằng họ có quyền tiếp tục phát triển quan hệ với Đài Loan.

Lithuania đã nhận được 100.000 khẩu trang do Đài Loan tặng trong đợt bùng phát COVID-19 vào năm ngoái. Khi dịch ở Đài Loan nóng lên vào tháng 5 năm nay, Lithuania đã tặng lại 20.000 liều vắc xin AZ cho hòn đảo. Trước tình hình dịch bệnh, mối quan hệ giữa Lithuania với Đài Loan trở nên thân thiết hơn.

Bắc Kinh thất bại khi gây áp lực lên Vilnius

Tờ báo của Ý tin rằng mục đích chính của việc Bắc Kinh phản đối ngoại giao mạnh mẽ chống lại Vilnius là để răn đe các nước khác không làm theo quốc gia này. 

Lithuania đã dẫn đầu trong việc rút khỏi cơ chế hợp tác 17 + 1 giữa ĐCSTQ và các nước Trung và Đông Âu vào tháng 5/2021, do đó bị Bắc Kinh coi là “phản động”.

Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Đài Loan Matas Maldeikis ngày 10/8 viết trên Facebook rằng ĐCSTQ muốn gây áp lực bằng cách triệu hồi đại sứ, nhưng Lithuania nhận thức rõ về lợi ích của đất nước “và một nền dân chủ mạnh mẽ như Đài Loan. Hợp tác kinh tế rất có lợi cho tương lai của Lithuania , đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, Đài Loan lại càng có vị thế dẫn đầu. “

Ông Maldkistan cho biết Vilnius không có ý định can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh, nhưng sẽ không phớt lờ thực tế trên thế giới. Ông nói rằng nhiều nước châu Âu đã mở văn phòng đại diện tại Đài Loan, thậm chí cả Vatican từ lâu đã công nhận Đài Loan.