Ở phương Tây lúc này, chủ đề về đàm phán nhằm hạ nhiệt hoặc chấm dứt xung đột ở Ukraine hầu như không tồn tại. Vì các phương tiện truyền thông dòng chính và giới tinh hoa chính trị đã nuôi dưỡng một bầu không khí, mà nếu ai mong muốn hòa đàm với Nga sẽ bị gắn nhãn là “kẻ phản bội”.

Các cuộc không kích quy mô lớn của Nga trên khắp Ukraine trong 2 ngày qua đã khiến các cường quốc trong nhóm G7 và NATO nháo nhào hội họp.  Cả hai khối này đều tổ chức các cuộc họp khẩn cấp để cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính, quân sự hết mình cho Ukraine.

Tuyên bố của G7 tiếp tục nhấn mạnh “hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân, sau cái chết của ít nhất 19 người Ukraine do các cuộc tấn công lớn của Nga hôm thứ Hai.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng vậy, đã tuyên bố sẽ sát cánh với Ukraine “chừng nào còn có thể”. Ông cũng bác bỏ các cáo buộc của Điện Kremlin, rằng liên minh quân sự phương Tây đang tăng cường vai trò của mình trong cuộc xung đột

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “NATO không phải là bên trong cuộc xung đột, nhưng sự hỗ trợ của chúng tôi đang đóng vai trò quan trọng”.

Lưu ý là, các tuyên bố của G7 và NATO không có gì mới, mà chỉ lặp lại các điểm nhấn của những lần trước, khi cam kết sát cánh và viện trợ vũ khí cho Ukraine. 

Tuy nhiên, những gì G7 nói về khả năng đàm phán trong bối cảnh cuộc xung đột leo thang mới là điều thú vị. Tuyên bố G7 nhấn mạnh: “Với mục tiêu hướng tới một giải pháp hòa bình khả thi sau chiến tranh, chúng tôi vẫn sẵn sàng đạt được các thỏa thuận cùng với các quốc gia và thể chế quan tâm và Ukraine về an ninh bền vững và các cam kết khác để giúp Ukraine tự vệ, bảo đảm tương lai tự do và dân chủ, đồng thời ngăn chặn tương lai Nga gây hấn”. 

Câu hỏi đặt ra là: G7 hay NATO đều không muốn Ukraine đàm phán với Nga mà tại sao giờ lại đề cập trong tuyên bố hôm 11/10 vừa qua? 

Điều thú vị hơn ở chỗ, ý tưởng về cách có thể đạt được một giải pháp thương lượng cuối cùng của Tổng thống Putin, lại xuất phát từ chính lời bình luận của Tổng thống Mỹ, khi vài ngày trước, ông Biden đã trả lời phóng viên rằng, “vẫn còn phải xem” liệu có thể có các cuộc đàm phán song phương Mỹ-Nga bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia ​​vào giữa tháng 11 hay không.  

Thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Bali dự kiến vào tháng 11, việc các bên có thực sự nói chuyện với nhau hay không sẽ quyết định phần lớn đến tình hình chiến trường thực tế. Tuy nhiên tháng 11 cũng là thời điểm mà Tổng thống Putin đang kiên nhẫn chờ đợi nhất, vì nó khởi đầu của tháng Mùa đông ở châu Âu và cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. 

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong khi Nga đủng đỉnh sau 2 cuộc không kích dữ dội trên khắp Ukraine, thì lần đầu tiên sau hơn 7 tháng giao tranh, Tổng thống Biden và G7 đã nhắc đến việc hòa đàm?

Phải chăng Mỹ, G7, NATO đã cảm nhận được sức ép từ các đòn trả đũa quân sự của Nga, hay việc châu Âu đang dần đuối sức trong cuộc chiến năng lượng với Nga, khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là tới mùa đông lạnh giá? 

Cần lưu lý là trước đó, bầu không khí chính trị của giới quan chức phương Tây luôn nuôi dưỡng việc thúc đẩy chiến tranh hơn là kết thúc nó. Bất kỳ ai nói đến việc hòa đàm hay kết thúc chiến tranh đều bị gắn mác là “kẻ phản bội”, “kẻ thân Nga”, kể cả người đó nổi tiếng cỡ như Elon Musk.

Xem thêm: Nga ‘tắt’ công tắc điện ở Ukraine: Mỹ-EU thua lớn trên mặt trận điện năng