Từ 1/7: Dừng thẻ ATM từ, ví điện tử lên ngôi, nông dân được vay 300 triệu không cần thế chấp

Hàng loạt thay đổi lớn trong ngành ngân hàng có hiệu lực từ 1/7: ngừng thẻ từ, ví điện tử được công nhận, nông dân được vay đến 300 triệu không thế chấp.
- Tự do chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu từ 1/7 nhờ luật bảo hiểm y tế mới – Tin360
- Thời tiết hôm nay 1/7: Miền Bắc mưa lớn, cảnh báo lốc sét và mưa đá
- Khi về già mới thấm: Ba người ở bên ta
Nội dung chính
Thẻ ATM từ chính thức dừng giao dịch trên toàn hệ thống
Theo Thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, toàn bộ thẻ ATM sử dụng công nghệ dải từ sẽ không còn được chấp nhận giao dịch trên hệ thống ngân hàng.
Quy định áp dụng với tất cả các loại thẻ có dải từ, bao gồm cả thẻ chỉ có dải từ và thẻ kết hợp giữa chip và từ. Điều này đồng nghĩa, người dùng sẽ không thể rút tiền tại ATM, thanh toán POS hay chuyển khoản nếu vẫn sử dụng thẻ từ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 5, vẫn còn khoảng 8 triệu thẻ từ đang tồn tại trong hệ thống. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 triệu thẻ đang hoạt động thực tế, chiếm 1% tổng số thẻ đang lưu hành và buộc phải chuyển đổi.
Người dùng có thể nhận biết thẻ từ bằng cách kiểm tra mặt trước: nếu không có ô chip màu vàng (vi mạch điện tử) mà chỉ có dải đen phía sau, đó là thẻ từ và cần được đổi gấp.
Ví điện tử được công nhận là phương tiện thanh toán chính thức
Từ 1/7, theo Thông tư 40, ví điện tử chính thức được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, có giá trị tương đương tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán hoặc tiền mặt.
Người dùng có thể sử dụng ví điện tử để nạp, rút tiền; chuyển tiền nội bộ, liên ngân hàng; thanh toán hàng hóa, dịch vụ; nộp phí, lệ phí các dịch vụ công.
Tiền được nạp vào ví có thể đến từ tài khoản ngân hàng, từ ví khác trong cùng hệ thống hoặc ví điện tử của tổ chức khác. Chủ ví cũng có thể rút tiền từ ví về tài khoản ngân hàng một cách linh hoạt.
Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, đồng thời tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại.
Nâng hạn mức vay không thế chấp cho nông dân lên 300 triệu đồng

Cùng ngày, Nghị định 156 sửa đổi chính sách tín dụng nông nghiệp có hiệu lực, nâng hạn mức vay không thế chấp đáng kể cho người dân và tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể:
- Cá nhân, hộ gia đình có thể vay đến 300 triệu đồng (trước đây là 100–200 triệu).
- Hộ kinh doanh, tổ hợp tác được nâng hạn mức từ 300 triệu lên 500 triệu đồng.
- Chủ trang trại có thể vay tối đa 3 tỷ đồng, tăng từ 1–2 tỷ đồng.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được nâng mức vay không tài sản đảm bảo từ 1–3 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng.
Thủ tục vay cũng được đơn giản hóa. Người dân không cần nộp giấy xác nhận đất chưa có sổ đỏ hoặc không tranh chấp như trước. Việc cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giờ đây dựa trên thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) được thí điểm trong 2 năm

Từ 1/7, theo Nghị định 94, Chính phủ chính thức cho phép thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với hoạt động cho vay ngang hàng trong lĩnh vực ngân hàng.
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kết nối trực tiếp giữa người có tiền và người cần vay thông qua nền tảng số, không qua trung gian như ngân hàng.
Hoạt động thử nghiệm sẽ kéo dài 2 năm và chỉ áp dụng cho các tổ chức fintech, công ty công nghệ tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Các nhà băng nước ngoài không nằm trong diện thí điểm.
Kết quả thử nghiệm là cơ sở để hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình cho vay hiện đại này trong thời gian tới.
Bắt buộc xác thực sinh trắc học với tài khoản doanh nghiệp

Theo Thông tư 17, từ ngày 1/7, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh bắt buộc xác thực sinh trắc học đối với người đại diện hoặc người được ủy quyền trước khi thực hiện các giao dịch tài chính.
Nếu không hoàn tất xác thực, các giao dịch như chuyển tiền, rút tiền qua kênh điện tử sẽ bị tạm dừng nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định pháp luật.
Ngân hàng hỗ trợ xác thực qua hai hình thức: đến trực tiếp quầy giao dịch hoặc thông qua ứng dụng ngân hàng. Việc xác thực chỉ áp dụng với công dân Việt Nam.
Theo: Dantri