Bộ Nội vụ lý giải vì sao Nghệ An, Thanh Hóa không thuộc diện sáp nhập tỉnh 2025, nhấn mạnh tiềm năng phát triển và vị trí chiến lược vùng.

Việc sáp nhập tỉnh, theo Bộ Nội vụ, không chỉ dựa trên diện tích và dân số mà còn phải xem xét toàn diện nhiều yếu tố khác như dư địa phát triển, vị trí chiến lược và tiềm năng nội tại.

Không chỉ xét diện tích, dân số khi sáp nhập tỉnh

Tại tọa đàm trực tuyến “Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm” ngày 10/4, Bộ Nội vụ đã công bố thông tin mới nhất liên quan đến kế hoạch sáp nhập các tỉnh.
Theo ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, diện tích và dân số chỉ là yếu tố ban đầu trong tiêu chí sáp nhập tỉnh.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính phải đặt trong chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới mở rộng không gian phát triển và gia tăng hiệu quả quản trị.

Dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định 11 tỉnh không thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2025.
Danh sách bao gồm: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lý do không sáp nhập Thanh Hóa, Nghệ An

Lý giải rõ hơn vì sao không sáp nhập Nghệ An và Thanh Hóa, ông Phan Trung Tuấn cho biết hai tỉnh này có nhiều điều kiện đặc thù.
Đây là các tỉnh có diện tích rộng, dân số lớn và quan trọng hơn là có tiềm năng phát triển nội tại rõ rệt. Lợi thế để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng các yếu tố để tạo động lực cho địa phương, cho vùng Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa và Nghệ An được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ đầy đủ địa hình: miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, có cả sân bay, cảng biển và cao tốc…vv
Bộ Nội vụ đánh giá tiềm năng phát triển vùng Bắc Trung Bộ sẽ được phát huy mạnh mẽ nếu giữ nguyên đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện tại.

Cảnh sắc Nghệ An (Ảnh: Vietnam Travel)

Tiêu chí sáp nhập đơn vị hành chính mang tính chiến lược

Việc xây dựng đề án sáp nhập tỉnh được thực hiện khẩn trương nhưng rất thận trọng.
Các phương án đều được tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi trong vài chục đến hàng trăm năm tới.

Ngoài tiêu chí dân số và diện tích, đề án còn căn cứ vào yếu tố quốc phòng, an ninh và khả năng phát triển kinh tế vùng.
Mục tiêu cao nhất là tạo không gian phát triển bền vững, tinh gọn bộ máy hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chính quyền gần dân, sát dân.

Các yếu tố như văn hóa, địa lý, quy hoạch vùng và liên kết vùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sáp nhập hay giữ nguyên.

Nghệ An, Thanh Hóa đủ lớn, đủ tiềm năng để trở thành động lực phát triển vùng Bắc Trung Bộ (Ảnh: Tổng hợp)

Cải cách bộ máy và tổ chức lại đội ngũ cán bộ

Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu cải cách đồng bộ cả bộ máy và đội ngũ cán bộ.
Không chỉ sáp nhập đơn vị hành chính, mà còn phải đổi mới tư duy phục vụ nhân dân trong từng cấp chính quyền.

Thay vì chờ người dân tìm đến chính quyền, cán bộ các cấp cần chủ động bám sát địa bàn, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng kịp thời.
Đây là nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách hành chính hướng tới chính quyền liêm chính, phục vụ.

Thanh Hóa hướng đến phát triển tiềm năng nội tại (Ảnh: Vietnam Travel)

Hạn chót hoàn tất đề án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã là ngày 1/5

Theo Bộ Nội vụ, ngày 1/5 tới là thời hạn cuối để các địa phương gửi phương án sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.
Thông tin này được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm, bởi đây là bước quan trọng trong tiến trình tinh gọn bộ máy nhà nước.

Bộ Nội vụ đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước, căn cứ theo định hướng tại Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Nhiều địa phương hiện đang hoàn thiện phương án để trình Bộ Nội vụ tổng hợp, sau đó trình Quốc hội, Chính phủ xem xét.

Dự kiến sẽ có luật mới thay thế luật hiện hành

Cùng với việc triển khai đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ Nội vụ cũng xây dựng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Luật mới sẽ thay thế toàn diện cho luật hiện hành, đảm bảo phù hợp với mô hình quản lý mới sau khi sửa đổi Hiến pháp.

Từ ngày 1/7, bộ máy chính quyền hai cấp dự kiến sẽ vận hành theo mô hình mới, phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn.