Mới đây, công an tỉnh Bình Dương đã công bố các dấu hiệu vi phạm pháp luật của các cơ sở y tế từ chối cấp cứu cho một người đàn ông vào giữa tháng 8.

Cái chết của ông ND khiến nhiều người bức xúc, cảm thấy ông ra đi quá oan uổng. Ngay sau vụ việc, 5 cơ sở y tế đã giải thích lý do vì sao không cấp cứu cho bệnh nhân. Cả 5 cơ sở nói rằng họ không có bác sĩ để cấp cứu vì đang tập trung chống dịch Covid-19.

Chị Phượng thất thần đứng bên linh cữu của người cha bị 5 bệnh viện từ chối cấp cứu (ảnh: Người dân cung cấp/PLO).
Chị Phượng thất thần đứng bên linh cữu của người cha bị 5 bệnh viện từ chối cấp cứu (ảnh: Người dân cung cấp/PLO).

Theo báo Pháp Luật TP.HCM (PLO), hôm nay (1/9), Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức một buổi họp báo liên quan đến vụ việc 5 cơ sở y tế không nhận cấp cứu, khiến bệnh nhân phải trở về phòng trọ và tử vong.

Công an phát hiện cơ sở y tế thứ 6 có liên quan

PLO đưa tin, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết gia đình nạn nhân đề cập đến 5 cơ sở y tế có liên quan.

5 cơ sở này bao gồm Trung tâm y tế TP Dĩ An; Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng; Bệnh viện Quân y 4; Bệnh viện An Phú; và Phòng khám đa khoa Nam Anh.

Nhưng qua điều tra, công an đã phát hiện thêm cơ sở y tế thứ 6 có liên quan. Đó là phòng khám đa khoa Phúc Tâm 2.

Đại tá Chính cho biết cơ quan điều tra đã bước đầu xác định được các dấu hiệu vi phạm của các cơ sở y tế nói trên. Tuy nhiên, hiện công an vẫn tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Y tế để tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của mỗi cơ sở.

Những dấu hiệu vi phạm của các cơ sở y tế

Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, Trung tâm y tế TP Dĩ An đã không thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Sở Y tế về việc tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong khi dịch Covid-19 đang diễn ra.

Phòng khám đa khoa Nam Anh, Phúc Tâm 2 và bệnh viện đa khoa An Phú đã không thực hiện nghiêm túc việc trực 24/24 để hướng dẫn cấp cứu, thăm khám cho bệnh nhân.

Cơ quan công an nhận định các cơ sở y tế này vi phạm khoản 1 Điều 67 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng đã nhận bệnh nhân, xét nghiệm nhanh Covid-19 (thu phí 700 nghìn đồng). Khi bệnh nhân có kết quả âm tính, phòng khám này lại yêu cầu người nhà chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Bệnh viện đa khoa Ngọc Hồng từ chối cấp cứu cho ông D sau khi ông có kết quả âm tính với COVID-19 (ảnh: Người dân cung cấp/PLO).
Bệnh viện đa khoa Ngọc Hồng từ chối cấp cứu cho ông D sau khi ông có kết quả âm tính với COVID-19 (ảnh: Người dân cung cấp/PLO).

Tuy nhiên, phòng khám Ngọc Hồng lại không lập hồ sơ bệnh án; không viết giấy chuyển viện, chuyển tuyến; và không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng xe cấp cứu chuyên dụng. Thay vào đó, bệnh nhân tiếp tục được người nhà chở đi bằng xe tải. Trời mưa, người thân phải dùng bạt che nước cho ông.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Quân y 4 đã không cấp cứu; không lập hồ sơ bệnh án; không viết giấy chuyển viện. Thay vào đó, bệnh viện đã yêu cầu người nhà tự chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên; cũng không cung cấp xe cấp cứu chuyên dụng cho bệnh nhân. Các hành vi này vi phạm Điều 32, 52, 53 và 54 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Đại tá Chính cho biết các hành vi của những cơ sở y tế nêu trên đã vi phạm Luật khám, chữa bệnh và Quy chế tổ chức bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997 của Bộ Y tế.

Ảnh chụp màn hình báo PLO đưa tin cuộc họp báo về vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu.
Ảnh chụp màn hình báo PLO đưa tin cuộc họp báo về vụ 5 cơ sở y tế từ chối cấp cứu.

Riêng phòng khám Ngọc Hồng và Bệnh viện Quân y 4, phía công an cho rằng cần tập trung làm rõ các dấu hiệu tội phạm như không cứu giúp người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng; được quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự.

Đại tá Chính cho biết: “Bệnh viên Quân y 4 là bệnh viện của Quân đội nên chúng tôi đang phối hợp với cơ quan điều tra của Quân đội để làm rõ”.

Trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư tỉnh ủy Bình Dương, yêu cầu công an tỉnh tiếp tục điều tra. Ông Thao nói rằng cần phải xử lý nghiêm vụ việc, tránh tái diễn, gây hoang mang cho người dân.