Xóa thuế khoán: Hộ kinh doanh bước vào lộ trình minh bạch thuế khóa mới

Chậm nhất đến năm 2026, hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh sẽ bị xóa bỏ – một bước cải cách được các chuyên gia đánh giá là có tính đột phá, giúp tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và phản ánh đúng doanh thu thực tế của người nộp thuế.
- Cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu hơn 4.000 thùng sữa từ Mỹ về Việt Nam
- Y tế: Công ty Cổ phần Dược Sơn Lâm và đường dâu hối lộ hơn 71 tỷ đồng
- 5 điều đặc biệt ở người phụ nữ khiến đàn ông say mê ngay lần đầu gặp mặt
Nội dung chính
Thuế khoán vẫn áp đảo dù kém hiệu quả: Chênh lệch gần 7 lần so với kê khai
Theo số liệu mới nhất từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến cuối tháng 3/2025, có hơn 1,97 triệu hộ và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo hình thức khoán, trong khi chỉ có 6.142 trường hợp áp dụng phương pháp kê khai – chiếm vỏn vẹn 0,3% tổng số. Tổng thu từ khu vực này đạt 8.695 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, mức nộp thuế khoán bình quân chỉ khoảng 672.000 đồng/hộ/tháng, trong khi hình thức kê khai thuế lên tới 4,6 triệu đồng – cho thấy sự chênh lệch gần 7 lần và những hạn chế rõ rệt của phương pháp khoán trong việc đánh giá chính xác thu nhập thực tế.
Thuế khoán đã lỗi thời, cần cải cách
Chuyên gia Nguyễn Văn Được – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam – nhận định rằng, thuế khoán vốn ra đời từ nguyên tắc thuận tiện trong quản lý, nhưng trong điều kiện hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Không ít hộ kinh doanh tìm cách “giữ nhỏ” để tiếp tục áp dụng mức thuế thấp, gây thất thu cho ngân sách và mất công bằng với các mô hình kinh doanh bài bản.
Việc dỡ bỏ thuế khoán sẽ buộc hộ kinh doanh chuyển sang kê khai, hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Khi đó, theo ông Được, không chỉ ngành thuế mà chính bản thân hộ kinh doanh cũng được hưởng lợi nhờ kiểm soát được tài chính, chủ động hơn trong hoạt động quản trị.
Công nghệ hỗ trợ minh bạch thuế khóa
Ông Nguyễn Văn Thức – chuyên gia cấp cao về Thuế và Kế toán – cho rằng, chấm dứt thuế khoán là điều tất yếu. Cách làm này hiện nay phát sinh nhiều chênh lệch giữa con số khoán và doanh thu thực tế, khiến cho hiệu quả giám sát chưa đạt yêu cầu.
Theo ông Thức, khi áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối máy tính tiền, kết hợp công nghệ như AI, blockchain và phần mềm kế toán đồng bộ, hệ thống thuế sẽ đạt được sự minh bạch và chính xác vượt trội, giảm thiểu gian lận và tiết kiệm chi phí vận hành.
Cần phương pháp phù hợp cho hộ nhỏ, siêu nhỏ
Dù vậy, việc bỏ thuế khoán không đồng nghĩa bắt buộc mọi hộ kinh doanh phải áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, vì điều này có thể gây áp lực lớn về chi phí và pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Được kiến nghị cần sửa luật để bổ sung phương pháp nộp thuế phù hợp hơn. Ví dụ, theo Luật Thuế giá trị gia tăng, có thể áp dụng phương pháp trực tiếp – chỉ cần căn cứ vào doanh thu và không nhất thiết phải có sổ sách kế toán. Hộ kinh doanh nhỏ có thể sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền mà không cần triển khai hệ thống kế toán phức tạp.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị cũng đã đặt rõ mục tiêu: hỗ trợ hiệu quả cho hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình, thông qua cải cách về pháp luật, hóa đơn, chứng từ và chế độ kế toán đơn giản.
Việc xóa bỏ thuế khoán là bước đi cần thiết, hợp lý và phù hợp với bối cảnh phát triển hiện nay. Nếu có sự hỗ trợ từ chính sách và công nghệ, lộ trình này hoàn toàn khả thi trước thời điểm năm 2026 như mục tiêu đã đặt ra.
Nguồn: VietNamNet