Y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục “xuống đường” vì bị nợ 100% lương
Chiều ngày 21/3, hơn 50 người trong tổng số 154 y, bác sỹ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương đã tập trung trước cổng bệnh viện kêu cứu.
- Chuyện lạ ở Bình Thuận: 2 ôtô hiệu Inova cùng biển số đậu cạnh nhau
- Vung mái chèo liên tiếp vào đội bạn, vẫn bất ngờ nhận giải fair play
- Tàu vỏ thép “mắc cạn”, ngư dân lâm cảnh nợ nần
Thông tin với báo Tuổi Trẻ, bà Lê Thanh Bình – tổ trưởng tổ công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, toàn bộ cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện đã nhận được số tiền lương bị nợ từ tháng 5/2021 vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên đến nay bệnh viện lại tiếp tục nợ lương tháng 2 và tháng 3.
“Chúng tôi không thể tháng nào cũng phải ra đường để đòi lương. Trước đây chỉ nợ 50% lương, còn nay nợ 100% lương. Khi chúng tôi đòi quyền lợi, phía lãnh đạo bệnh viện nói tuần này, tuần sau bên học viện sẽ cho vay tiền để trả lương.
Lần này chúng tôi tiếp tục xuống đường không đơn thuần là do bị nợ lương. Chúng tôi mong muốn bệnh viện giải quyết rõ ràng về việc sáp nhập hay giải thể không thể để người lao động sống trong thấp thỏm.
Nghĩa là Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc bên nào và bên nào chịu trách nhiệm trả lương cho các nhân viên y tế”, bà Bình bức xúc.
Cùng xuống đường với đồng nghiệp, chị Trần Thị Hồng Minh (Khoa Nội nhi, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) chia sẻ với báo Lao Động, cả gia đình chỉ bám víu vào đồng lương ít ỏi. Chị cho biết những tháng được nhận 50% lương cơ bản chỉ được hơn 2 triệu 1 tháng cộng với phụ cấp ngành thì tổng hơn 3 triệu. Nhưng 2 tháng gần đây thì chưa được hỗ trợ tiền lương.
“Chúng tôi chỉ mong muốn không còn cảnh 1 cơ quan 2 chế độ như hiện nay. Trong khi Viện Nghiên cứu Y Dược học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Trung tâm Đào tạo và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu xã hội (cũng là những đơn vị trực thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam), nhân viên vẫn được hưởng lương, thưởng bình thường thì chúng tôi phải chờ đợi những đồng lương mồ hôi công sức đi làm” – chị Hồng Minh trải lòng.
Xoay quanh vấn đề này, ông Trương Việt Bình – nguyên Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin chuyển đổi thành đơn vị tự chủ tài chính – tức là bệnh viện làm dịch vụ đây là nguyên nhân của việc nợ lương.
Ông Bình cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ bệnh viện này không phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính. Việc thực hiện khám chữa bệnh của bệnh viện theo các phương pháp y dược học cổ truyền. Bởi vậy nguồn thu rất ít, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 càng khiến bệnh viện khó khăn hơn.
Trước đó, VietNamNet đưa đin, vào các chiều 11, 12 và 13/1/2022, hàng chục cán bộ viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã cầm giấy, băng rôn trước cổng bệnh viện cầu cứu về việc bị nợ lương trong thời gian dài.