Đài truyền hình Chosun của Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên sẽ gửi quân công binh của mình đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine để tham gia vào “công trình tái thiết”,. Các lực lượng xây dựng và công binh quân sự sẽ đến khu vực bị chiếm đóng của Donetsk sớm nhất là vào tháng 7.

Theo báo cáo, lực lượng Triều Tiên sẽ hỗ trợ xây dựng lại cơ sở hạ tầng tại Donetsk bị chiếm đóng. Nga dự kiến ​​sẽ chi trả 115 triệu đô la Mỹ hàng năm cho 3-4 lữ đoàn công binh; Triều Tiên có 10 lữ đoàn như vậy. 

Mỗi lữ đoàn công binh Triều Tiên có quân số khoảng 5.000 người, như vậy tổng số binh sĩ được triển khai lên đến 20.000 người.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đưa tin, “Nga dường như đang theo đuổi một liên minh các quốc gia thân thiện có mối quan hệ nồng ấm trong lịch sử với Liên Xô, bao gồm Triều Tiên, để hình thành nền tảng cho một trật tự thế giới thay thế”, .

Bài đánh giá cho biết sự hỗ trợ kỹ thuật của Triều Tiên có thể giải phóng sức mạnh chiến đấu của Nga cho các hoạt động dọc theo tiền tuyến và hỗ trợ những nỗ lực của Nga nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự và các công sự phòng thủ trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Ukraine.

Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ theo dõi các hoạt động di chuyển quân đội có thể có của Triều Tiên đến Nga để tham gia vào cuộc chiến tranh với Ukraine.  Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Tướng Patrick Ryder cho biết  ” Tôi nghĩ rằng nếu tôi là người quản lý quân đội Triều Tiên, tôi sẽ đặt câu hỏi về lựa chọn của mình khi gửi lực lượng của mình đến làm bia đỡ đạn trong một cuộc chiến tranh phi pháp chống lại Ukraine”.

Tuy nhiên, theo các blogger quân sự, Triều Tiên có thể đóng một vai trò quan trọng giúp Nga có bước đột phá trên chiến trường bằng “công nghệ mới”.

Kênh Telegram “Chiến dịch Z: Phóng viên quân sự của Mùa xuân Nga” dẫn lời Chuyên gia người Ukraina Alexey Kushch cho biết, các đơn vị công binh của Triều Tiên, theo tin đồn, sẽ đến hỗ trợ Nga, có thể giúp Lực lượng vũ trang Nga “vượt qua sự bế tắc của chiến tranh”. Bởi vì Quân đội Triều Tiên từ lâu đã có thể xây dựng các công sự dưới lòng đất và đào đường hầm. Và họ sẽ có thể làm suy yếu vị thế của Lực lượng Vũ trang Ukraine. 

Ông kể lại rằng cuộc đột phá của Nga gần Avdeevka và Toretsk xảy ra, cùng với những lý do khác, là do việc sử dụng các đường hầm dưới lòng đất. Hơn nữa, trong trường hợp thứ hai, đường hầm được đào đặc biệt cho các mục đích sau:

➖“Đó là, một công nghệ chiến tranh mới đang xuất hiện: bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ máy bay không người lái và pháo binh – đào sâu, tiến về phía sau, chiếm vị trí, đào sâu. Và ai có thể đào tốt hơn người Triều Tiên?”.

▪️Việc xây dựng các cơ sở ngầm và thông tin liên lạc là một trong những kỹ năng quan trọng của CHDCND Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên. Triều Tiên đã chuyển kho quân sự, súng và doanh trại dưới lòng đất để bảo vệ mình khỏi các cuộc không kích của Mỹ. Và cũng đã xây dựng một hệ thống đường đi giữa chúng dài 500 km. 

▪️Hiện tại, học thuyết quân sự của CHDCND Triều Tiên quy định việc xây dựng số lượng công trình ngầm tối đa có thể trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ. 

➖Kushch viết: “Trong trường hợp này, chiến thuật ngầm có thể được sử dụng để “tấn công leo thang” và xuyên thủng các tuyến phòng thủ nhiều lớp, phức tạp, đồng thời giảm thiểu tổn thất từ ​​các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và pháo binh.

▪️Ông nói thêm: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chiến lược “chiến tranh ngầm” được thông qua trong chuyến thăm của ông Putin tới CHDCND Triều Tiên.”

Moscow Times cho hay, Nga đã tăng cường hợp tác với Triều Tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tình báo Hàn Quốc nói rằng, các thỏa thuận mua bán vũ khí giữa Nga-Triều Tiên đã bắt đầu vào mùa hè năm 2022. Cho tới nay, Moscow đã nhận được ít nhất 5 triệu quả đạn pháo từ Triều Tiên, cùng một số tên lửa đạn đạo.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik, để đáp lại sự hỗ trợ của Triều Tiên, Nga đã cung cấp cho Bình Nhưỡng xe tăng, máy bay và công nghệ chế tạo vệ tinh do thám. Trong khi đó, Washington lưu ý rằng, ông Kim Jong Un mong nhận được công nghệ tên lửa hạt nhân tầm xa từ Nga.

Mới đây nhất, “món quà” mà ông Putin vừa dành tặng ông Kim Jong Un đã được tiết lộ. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 1/7 cho hay, Triều Tiên đã chuyển đổi hoạt động truyền phát các chương trình nhà nước thông qua vệ tinh của Trung Quốc sang vệ tinh do Nga cung cấp, khiến việc theo dõi những chương trình truyền hình như thế này trở thành thách thức khá lớn đối với các cơ quan chính phủ và truyền thông của Hàn Quốc.

Một nhà cung cấp dịch vụ đĩa vệ tinh của Hàn Quốc nói với hãng tin Reuters rằng, tín hiệu từ Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên đã được truyền đi bằng vệ tinh Express 103 của Nga từ ngày 29/6 vừa qua, thay vì vệ tinh ChinaSat 12 của Trung Quốc như trước đây.

Theo Moscow Times, việc theo dõi truyền hình trung ương sẽ cho phép một quốc gia có được thông tin về các hoạt động của quốc gia đối thủ. Hiện Seoul đang tìm cách giải quyết vấn đề.

Việc thay đổi vệ tinh diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Triều Tiên vào tháng 6, nơi ông gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Hai phía đã ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả các cam kết phòng thủ chung.Cũng theo tài liệu này, Nga và Triều Tiên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành động gây hấn nhằm vào một trong hai quốc gia. Ông Putin cũng không loại trừ khả năng hợp tác kỹ thuật quân sự với Triều Tiên.