Trung Quốc lắp bệ đỡ khoan dầu hơn 300m ở Biển Đông
Trung Quốc đang lắp đặt một kết cấu cố định cho hoạt động khoan dầu ở Biển Đông, theo giới truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 12/4.
Tờ Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin, kết cấu này có tên là Haiji-1, có chiều cao hơn 300 mét, do Trung Quốc thiết kế và chế tạo để hỗ trợ hoạt động khai thác dầu khí của nước này.
Cấu trúc này “đã được lắp đặt thành công xuống nước và gắn chính xác vào một vị trí ở khu vực phía đông của Biển Đông”, theo Hoàn Cầu.
Một video của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho biết, Haiji-1 gắn chặt xuống đáy Biển Đông, cao 302 mét, nặng khoảng 30.000 tấn.
Công trình như vậy được gọi là “deep-water jacket”, nó đóng vai trò như một bệ đỡ cho một giàn khoan dầu lớn ở ngoài khơi, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất dầu khí ngoài khơi.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là đơn vị đã lắp đặt Haiji-1 xuống Biển Đông. Báo Hoàn Cầu tung hô công trình này chứng tỏ “công nghệ và năng lực lắp đặt khoan biển của Trung Quốc đã đạt đến trình độ hàng đầu thế giới”.
Các bài báo của giới truyền thông Trung Quốc không nêu rõ vị trí của Haiji-1. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở Biển Đông.
Năm 2016, Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ và không tuân thủ phán quyết này.
Các nhà quan sát cho biết Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động khảo sát dầu khí và quân sự hóa Biển Đông; trong khi thế giới tập trung vào ứng phó với dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine.
Các hoạt động khảo sát dầu khí của Trung Quốc diễn ra “tấp nập” bên trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, theo báo cáo của Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI).