Người đàn ông đào được gỗ lớn dưới ruộng có thể bị xử phạt vì tự ý cưa xẻ
Người đào được cây gỗ lớn dưới ruộng có thể bị xử phạt do làm thay đổi hiện trạng của tài sản khi mang gỗ về cưa xẻ, tờ Thanh niên dẫn lời luật sư cho hay.
Ngày 31/5, Bí thư huyện Sa Thầy (Kon Tum) Nguyễn Minh Tuấn cho biết phía công an đang tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc cây gỗ mà một người dân địa phương đào được dưới ruộng.
Trước đó, vào ngày 23/3, ông Nam (44 tuổi, ngụ tại TT. Sa Thầy) tìm thấy cây gỗ dài 12m bị vùi dưới sâu dưới bùn trong lúc được thuê cải tạo đất ruộng. Ông Nam sau đó đã báo xã và xin phép được đào cây gỗ lên để làm đồ gia dụng. Vì cây gỗ dài, gây khó khăn trong việc trục vớt nên ông phải cưa thành 3 khúc để dễ dàng đưa gỗ lên. Ông đã chi khoảng 90 triệu để vớt thành công cây gỗ và thông báo cho xã ngày 8/4.
Tuy nhiên đến ngày 20/5 vẫn không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, cho rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam đã vận chuyển về 1 xưởng gỗ để cưa xẻ thì bị công an an huyện Sa Thầy lập biên bản tạm giữ cây gỗ vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng. Số gỗ đã cưa xẻ được đưa về trụ sở công an huyện để bảo quản trong thời gian xác minh nguồn gốc.
Người đàn ông 44 tuổi chia sẻ với Thanh niên rằng cuộc sống gia đình của ông đã bị đảo lộn kể từ đó. Cơ quan chức năng đã nhiều lần liên hệ, mời ông lên làm việc.
Theo Thanh niên, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, việc lập biên bản tạm giữ số gỗ trên của phía công an là đúng chức năng, thẩm quyền.
Vị lãnh đạo này nói thêm rằng việc ông Nam đào cây gỗ lên là không vi phạm pháp luật, tuy nhiên việc tự ý cưa xẻ, vận chuyển gỗ về xưởng để chế biến là vi phạm pháp luật và có khả năng sẽ bị xử phạt.
Luật sư Dương Lê Sơn (Văn phòng luật sư Lê Sơn, Đắk Lắk) nhận định ông Nam đã thông báo cho chính quyền xã, đề nghị được đào cây gỗ lên và được đồng ý, nên việc ông Nam đào cây gỗ là đúng quy định, không bị xử phạt. Còn việc ông này tự ý xẻ gỗ, làm thay đổi hiện trạng ban đầu có bị xử phạt hay không, còn phụ thuộc vào sự đánh giá của cơ quan chức năng về giá trị của cây gỗ sau khi bị xẻ.
“Theo quy định tại điều 21 của Nghị định 29/2018 thì chính quyền cấp xã cần tiến hành lập các biên bản và yêu cầu ông Nam giữ nguyên hiện trạng. Trong vụ việc này, không biết UBND xã có làm không nhưng việc để ông Nam tự ý xẻ gỗ dẫn đến việc công an thu giữ là có thiếu sót”, luật sư Sơn nói.