Tin sáng 2/11: Đường dây mua bán 31 trẻ sơ sinh; Cầu ở Quảng Nam sụt lún
Các nghi phạm khai thực hiện trót lọt 31 vụ buôn bán trẻ sơ sinh ở nhiều tỉnh thành; hiện xác minh được nơi ở của 7 bé sau khi bị bán.
Nội dung chính
Còn 24 vụ mua bán trẻ sơ sinh chưa xác định
Hôm 1/11, công an Bình Dương nói, họ đang xử lí, khởi tố đường dây mua bán trẻ em quy mô lớn.
Các nghi phạm trong đường dây khai đã mua – bán trót lọt với 31 vụ, tuy nhiên, công an Bình Dương mới xác định được 7 vụ với 7 trẻ sơ sinh. Các vụ còn lại khó xác minh bởi cả người mua và người bán đều giấu thông tin.
Trong 7 trẻ được xác minh, có 6 bé đang được các gia đình nuôi dưỡng, 1 bé đang được gửi vào cơ sở bảo trợ xã hội tạm thời chăm sóc.
VOV dẫn thông tin cho biết, nhóm môi giới mua mỗi bé giá từ 20 đến 30 triệu đồng rồi bán lại với giá từ 40 đến 50 triệu đồng.
Nhóm mua bán sẵn sàng làm giấy tờ giả như giấy chứng sinh, các giấy tờ khác cho người mua để hợp thức hóa hành vi mua bán.
Cây cầu ở Quảng Nam sụt lún trong đêm
Tin từ Vietnamnet, tối 1/11, người dân tại huyện miền núi Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) phát hiện cây cầu Quyết Thắng nằm tại xã Ba bị sụt lún, có dấu hiệu gãy phần giữa.
Cụ thể, nền cầu bị sụt lún nghiêm trọng, thành cầu bị tụt xuống phía dưới, giữa cầu có dấu hiệu bị gãy.
Hiện hai đầu cầu được chặn lại, tránh người dân lưu thông, đề phòng gặp tai nạn do sập cầu.
Gần 1.200 công nhân một nhà máy ở TP. HCM mất việc
Công ty Tỷ Hùng quy mô 1.800 lao động, 100% vốn Đài Loan, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, thị trường chủ yếu châu Âu, hoạt động tại TP. HCM gần 15 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vừa phải chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân, theo VnExpress.
Lý do doanh nghiệp đưa ra là công ty khủng hoảng cả nguồn cấp nguyên liệu và thị trường xuất khẩu. Không riêng Tỷ Hùng, nhiều nhà máy dệt may, da giày, điện tử ở TP. HCM đang bị giảm đơn hàng do khó khăn trong tìm kiếm nguyên phụ liệu, thị trường. Điều này kéo theo hàng nghìn công nhân bị mất việc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng trên là từ chính sách phong tỏa Covd-19 của Trung Quốc khiến các nguồn nguyên liệu ngành sản xuất may mặc, điện tử không thể qua Việt Nam. Trong khi các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kể trên ở Việt Nam phụ thuộc chính vào nguồn hàng từ quốc gia này.
Bố trí học sinh đồng tính ngồi riêng cũng bị phản đối
Một trường THPT ở phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức, TP. HCM vừa nhắn tin về nội quy, trong đó có đoạn: “Không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”.
Nhiều người ủng hộ quan điểm này của lãnh đạo nhà trường, cho rằng đây cách thức giúp các học sinh phát triển lành mạnh; tránh các biểu hiện lệch lạc truyền thống và việc phát sinh quan hệ tình cảm nam nữ quá giới hạn ở học đường phổ thông.
Nhưng cũng có người, bằng lập luận ‘tự do giới tính, bình đẳng giới tính, quyền người chuyển giới’, cho rằng nhà trường đang kỳ thị người đồng tính. Còn có người còn nghi ngờ nhà trường tách học sinh nam nữ ngồi riêng sẽ ‘gây ra sự phân biệt giữa các em”.
Phía nhà trường đã phản bác những lập luận này. Hiệu trưởng trường học nói, nhà trường vẫn yêu thương các em, không kỳ thị giới tính theo kiểu cực đoan, mà chỉ muốn học sinh ngồi riêng cho thoải mái.