Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định chắc chắn việc đưa ấn vàng vua Minh Mạng về lại Việt Nam sau khi đàm phán thành công vào tối 14/11.

Chưa chốt lịch về cụ thể của ấn vàng

Tối 14/11 (giờ Hà Nội), Bộ Văn hóa thông báo đàm phán về việc hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo với hãng đấu giá Millon đã thành công, “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”, theo VnExpress.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân (trái) và ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn tại văn phòng hãng Millon. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố.

Chưa rõ thời gian cụ thể ấn vàng về nước. Bộ Văn hóa nói sẽ phối hợp Millon, các cơ quan liên quan để đưa ấn vàng về nước trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.

Hiện chưa rõ giá tiền để đưa chiếc ấn vàng Minh Mạng về nước là bao nhiêu.

Theo Millon, ấn vàng của vua Minh Mạng được chào bán với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8×13,7 cm.

Việt Nam – New Zealand bàn về Biển Đông

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã họp cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm của bà tới Hà Nội hôm 14/11. Một chủ để được thảo luận là tình hình Biển Đông.

Bà Ardern và ông Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.

Bà Ardern cũng như New Zealand thời gian qua thường có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, trong đó nhiều lần lến tiếng phản đối Trung Quốc gây rối ở Biển Đông.

Bình Phước: Sân bay quân sự thành chuyên dùng

Tin từ Tiền Phong, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận chủ trương quy hoạch sân bay quân sự ở huyện Hớn Quản, Bình Phước thành sân bay chuyên dùng ‘theo đề nghị của địa phương”.

Năm 2021, khi nghe tin Bình Phước sẽ quy hoạch sân bay lưỡng dụng, “cò đất” khắp nơi đổ về tạo nên cơn sốt đất ảo khiến cuộc sống người dân địa phương bị đảo lộn.

Chưa khởi tố Phó chánh án tỉnh nhận hối lộ

Tin từ Lao Động, sáng ngày 14/11, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao thông báo chính thức về việc bắt người phạm tội quả tang. Trong đó, chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Châu Văn Mỹ, Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu.

Ông Mỹ là người bị bắt quả tang về hành vi nhận hối lộ, phạm vào Điều 354, Bộ Luật hình sự. Ông này hiện bị tạm giữ tại một trại tạm giam ở TP. HCM.

Số tiền cụ thể ông Mỹ nhận hối lộ vẫn chưa được công bố.

Nhiễu loạn tình hình xăng dầu ở Hà Nội

Báo Công Thương, – cơ quan Ngôn luận của Bộ, ngày 14/12 có bài tiêu đề “Hà Nội: Thị trường xăng dầu trở lại bình thường”, trong đó nói tình hình xăng dầu đã ‘không còn căng thẳng như hai tuần trước’.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều cây xăng, kể cả vùng xa trung tâm như Long Biên, Phú Xuyên… vẫn ghi biển “hết xăng, còn dầu”. Người dân vẫn phải đi nhiều cây xăng mới có thể nạp nhiên liệu.

Nhiều người Hà Nội buộc phải tính chuyện tiếp tục mua xăng về dự trữ. Trong khi công an thành phố nói rằng “tuyệt đối không tích trữ xăng, dầu trong nhà”. Công an còn yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết hạn chế bán lẻ xăng, dầu cho người dân vào các dụng cụ, thiết bị chứa như: chai, lọ, can, thùng, phuy…

Giữa thực tế và các chỉ đạo, mệnh lệnh hành chính thời gian qua cho thấy việc giải quyết khủng hoảng xăng dầu ở Hà Nội và nhiều địa phương vẫn còn rất nhiều nghịch lý.