Nga-Trung tập trận; NATO căng thẳng khi Moscow tăng cường hoạt động quân sự ở Bắc Cực
Giữa bối cảnh căng thẳng này, Nga và Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận hải quân chung quy mô lớn mới sẽ được tổ chức trong tuần này ở Biển Hoa Đông, vào thời điểm phương Tây tiếp tục lo ngại rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh không những không thuyên giảm mà ngày càng gắn kết hơn trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo cuộc tập trận sẽ được tổ chức từ ngày 21-27/12 với mục đích “tăng cường hợp tác giữa hải quân hai nước nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương”. Cuộc tập trận cũng sẽ có phần huấn luyện tác chiến chống ngầm và phóng tên lửa.
AP đưa tin như sau: “Bộ Quốc phòng Nga cho biết tàu tuần dương tên lửa Varyag, tàu khu trục Marshal Shaposhnikov và hai tàu hộ tống của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia cuộc diễn tập ở Biển Hoa Đông bắt đầu từ thứ Tư.”
“Bộ cho biết hải quân Trung Quốc có kế hoạch triển khai một số tàu chiến nổi và một tàu ngầm cho cuộc tập trận”. “Máy bay của Nga và Trung Quốc cũng sẽ tham gia cuộc tập trận”.
Một nhóm lớn các tàu chiến đã được quan sát đang di chuyển ngay trước cuộc tập trận, với một đội thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã rời cảng Vladivostok ở vùng viễn đông.
Về phía Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản trước đó cho biết đã theo dõi ít nhất 9 tàu chiến của hải quân Trung Quốc tiến vào tây Thái Bình Dương để chuẩn bị, trong đó có hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.
Tờ South China Morning Post viết: “Tàu Liêu Ninh được phát hiện đi từ biển Hoa Đông đến tây Thái Bình Dương qua eo biển Miyako, giữa đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản, vào thứ Sáu tuần trước”. “Nó được hộ tống bởi tàu khu trục Type 055 103 Anshan, tàu khu trục Type 052D Thành Đô, tàu khu trục Type 054A Zaozhuang và tàu tiếp tế Type 901 Hulunhu.”
Mỹ đang tìm cách gây áp lực buộc Trung Quốc phải rút lại quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga, tuy nhiên rõ ràng tất cả các tín hiệu trên đều chỉ ra rằng, Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ Mỹ và ngày càng tăng cường hợp tác ở cấp độ thương mại lẫn quân sự với Nga, bất chấp sự trừng phạt của Mỹ và NATO.
Tất cả đều do chính sách sai lầm của chính quyền Joe Biden khi kích động thêm cuộc xung đột tại Ukraine, đẩy Nga ngày càng tiến gần thêm tới Trung Quốc.
NATO căng thẳng khi Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Bắc Cực
Điện Kremlin gần đây đã thông báo ý định mở rộng vận chuyển hàng hóa hàng hải dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) vào năm 2023. Phát biểu tại diễn đàn “Giao thông vận tải Nga” vào tháng trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông báo rằng, kể từ đầu năm nay, 25 triệu tấn hàng hóa đã đi qua NSR.
Theo tờ Vedomosti, Thủ tướng Mishustin gọi sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc này là một trong những “ưu tiên chính” của chính phủ Nga, với nhu cầu dự kiến đạt mục tiêu vận chuyển 80 triệu tấn hàng hóa vào năm 2024.
Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trải dài 5.600 km từ Murmansk đến Vladivostok dọc theo bờ biển Bắc Cực và Thái Bình Dương của Nga. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường gây khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt là mùa đông ở khu vực phía đông của NSR từ Taymyr đến Eo biển Bering. Nếu không có tàu phá băng hộ tống, các tàu khó có thể qua được đây vì độ dày của băng ở đó có thể lên tới 3 mét.
Nhận thức rõ những lợi ích tiềm năng của việc phát triển tuyến đường bất chấp những khó khăn liên quan, Điện Kremlin đã phê duyệt một tài liệu chiến lược để phát triển NSR đến năm 2035, với chi phí dự kiến gần 28,75 tỷ USD.
Điều thú vị là việc sử dụng NSR sẽ không chỉ giới hạn đối với vận tải biển và thương mại của Nga. Ngày 30/11, Hội đồng Liên bang Nga đã thông qua sửa đổi luật cho phép tàu nước ngoài sử dụng NSR. Các sửa đổi nhấn mạnh rằng, các tàu thương mại và hải quân nước ngoài cần phải xin phép 90 ngày trước khi dự định sử dụng tuyến đường này.
Các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Tập đoàn vận tải biển số 1 thế giới COSCO của Trung Quốc trong những tháng vừa qua được cho là đã tăng cường sử dụng Tuyến đường này. Sự hội tụ của tất cả các yếu tố này đang biến Bắc Cực thành một mặt trận mới trong những biến động địa chính trị lớn đang diễn ra ở Âu-Á.
Không có gì ngạc nhiên khi NATO ngày càng lo ngại về hoạt động tăng tốc ở Bắc Cực của Nga. Thêm nữa kể từ năm 2005, Nga đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, và tích cực hiện đại hóa hải quân bằng cách trang bị tên lửa siêu thanh mới.
Hệ quả này được cho là tất yếu đối với Nga, bởi chính sách mở rộng thành viên của NATO đã khiến tình hình địa chính trị và quân sự ở Bắc Cực đang thay đổi. Khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ trở thành thành viên duy nhất trong Hội đồng Bắc Cực khi 7 trong số 8 thành viên đều là thành viên NATO, bao gồm các nước còn lại là Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Canada và Mỹ.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh “Về việc phê chuẩn Học thuyết Hải quân của Liên bang Nga”, với chiến lược hải quân mới cam kết bảo vệ vùng biển Bắc Cực “bằng mọi cách”. Mỹ và NATO ngày càng lo ngại hơn khi vào cuối tháng 9 vừa qua, tàu chiến Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung ở Biển Bering.
Tất nhiên, những hành động khiêu khích leo thang can dự của chính quyền Joe Biden vào cuộc chiến tại Ukraine đã khiến người Nga ngày càng đẩy mạnh các hành động đáp trả, một trong số đó là nước này ngày càng củng cố liên minh chặt chẽ hơn với Trung Quốc và tìm cách đáp trả rõ ràng hơn. Trong đó Nga vừa đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ cân nhắc gửi hệ thống tên lửa Patriot đến Ukraine bằng cách nạp tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào bệ phóng di động cực kỳ linh hoạt.
Có thể bạn quan tâm: