Mỗi buổi sáng tại Ấn Độ, những hàng tiêu đề trên báo giấy và truyền thông số lại đầy rẫy tin tức về tai nạn giao thông: xe buýt lao xuống vực núi, xe máy bị xe tải húc văng, người đi bộ bị cán qua ngay trên vỉa hè, và những vụ va chạm chết người vì lái xe quá tốc độ hoặc thiếu ý thức.

Phía sau dòng tin ngắn gọn là một sự thật ám ảnh: năm 2023, hơn 172.000 người đã tử vong trên các tuyến đường ở Ấn Độ – tương đương mỗi ngày 474 người chết, hoặc một mạng người mất đi sau mỗi 3 phút.

Những con số biết nói: Khủng hoảng giao thông vượt tầm kiểm soát

Tại một hội nghị về an toàn giao thông cuối năm 2023, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari đã công bố một bức tranh u ám:

  • 10.000 trẻ em thiệt mạng,
  • 35.000 người đi bộ bị cán chết,
  • 10.000 vụ tai nạn xảy ra gần trường học và đại học,
  • 54.000 người không đội mũ bảo hiểm,
  • 16.000 không thắt dây an toàn,
  • 12.000 chết vì xe chở quá tải,
  • 34.000 vụ tai nạn do tài xế không có bằng lái hợp lệ.

Gadkari chỉ rõ: Vấn đề lớn nhất không chỉ là hạ tầng mà nằm ở hành vi con người – nhiều người không tôn trọng luật pháp, và đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Những con đường không dành cho người yếu thế

Ấn Độ sở hữu hệ thống đường bộ lớn thứ hai thế giới, với 6,6 triệu km. Tuy nhiên, mặt trái của phát triển là sự hỗn loạn giao thông chưa từng có:
Từ xe ô tô, xe tải, xe máy chen chúc cùng xe bò, xe kéo tay, người đi bộ, trẻ em đến cả… trâu bò lang thang giữa đường. Các hàng quán lấn chiếm vỉa hè khiến người đi bộ buộc phải xuống lòng đường – nơi xe cộ phóng vút qua không chút nhân nhượng.

Trên cao tốc gần New Delhi, những người dân địa phương đứng chênh vênh giữa dải phân cách, bất lực giữa dòng xe lao đi vun vút với tốc độ cao – một khung cảnh nguy hiểm như “đùa với tử thần”.

Lái xe ẩu và mệt mỏi khi lái xe là những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.( Ảnh: BBC)

Kỹ thuật đường bộ: Vấn đề nằm ở từng cm thiết kế

Các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ IIT Delhi chỉ ra rằng nhiều hạng mục an toàn bị thi công sai lệch:

  • Rào chắn va chạm – lẽ ra để ngăn xe lao khỏi đường – lại bị gắn sai chiều cao hoặc sai vị trí, khiến xe tải và xe buýt dễ bị lật khi va chạm.
  • Giải phân cách quá cao, thay vì êm ái phân luồng, lại trở thành “cái bẫy” khiến lốp xe nổ hoặc xe bị bốc lên khỏi mặt đường.
  • Mặt đường cao hơn vai đường 15–20 cm sau nhiều lớp nâng cấp chắp vá – khiến chỉ một cú đánh lái tránh chướng ngại cũng có thể làm xe máy mất thăng bằng, xe hơi bị trượt và lật.

Dù có quy định rõ ràng về chiều cao và khoảng cách, thực tế thường bị bỏ qua: rào chắn lắp quá cao, gắn vào bệ bê tông hoặc đặt không đúng vị trí. Những lỗi này khiến xe tải hoặc xe buýt bị lật nhào thay vì được giữ lại an toàn.

“Nếu không lắp đúng chuẩn, rào chắn có thể gây hại nhiều hơn lợi,” – Giáo sư Geetam Tiwari (ĐH IIT Delhi) nói với BBC.

Thiết kế trên giấy rất đẹp, nhưng khi thi công thì gần như không ai tuân thủ đúng tiêu chuẩn.” – Giáo sư Geetam Tiwari, chuyên gia hạ tầng giao thông, cảnh báo.

Mô hình phương Tây – Bài học đắt giá cho Ấn Độ?

Ông Kavi Bhalla, Đại học Chicago, nhận định: “Ấn Độ đang sao chép mô hình đường cao tốc phương Tây nhưng không đầu tư tương xứng vào nghiên cứu an toàn giao thông hay cơ sở dữ liệu tai nạn. Hạ tầng đẹp hơn, nhưng xe chạy nhanh hơn, người đi bộ và xe máy ngày càng nguy hiểm hơn.”

Việc mở rộng đường từ 2 làn lên 4 làn chưa chắc giảm tai nạn – thậm chí có thể làm tăng số vụ tử vong do tốc độ vượt kiểm soát.

Chiến lược “5E” – Liệu có cứu được mạng người?

Chính phủ Ấn Độ hiện đang triển khai mô hình 5E gồm:

  1. Engineering (thiết kế đường),
  2. Education (giáo dục cộng đồng),
  3. Enforcement (thực thi luật pháp),
  4. Emergency (cấp cứu khẩn cấp),
  5. Engineering of Vehicles (thiết kế phương tiện an toàn hơn).

Các bang như Tamil Nadu, Gujarat, Maharashtra đã áp dụng chiến lược này trên các “điểm đen” tai nạn – bước đầu giảm thiểu số người chết đáng kể.

Phát triển không đánh đổi mạng người

Dù việc mở rộng hạ tầng là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng giới chuyên gia cảnh báo rằng không thể đánh đổi sự sống của những người nghèo – những người đi bộ, đi xe đạp, xe máy – để đổi lấy đường sá đẹp hơn cho ô tô.

“Giá của phát triển không nên đổ lên vai những người nghèo nhất. Cách duy nhất là thử nghiệm các biện pháp, đánh giá xem có hiệu quả không – nếu không thì điều chỉnh rồi đánh giá lại,” ông Bhalla nói. “Nếu không làm vậy, đường sẽ chỉ càng đẹp hơn, xe chạy càng nhanh hơn – và sẽ có nhiều người chết hơn.”

Theo: BBC