Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng việc bỏ án tử hình với các tội danh như tham ô, nhận hối lộ; vận chuyển ma túy và làm thuốc giả sẽ làm suy yếu hiệu quả răn đe pháp luật; tạo tiền lệ nguy hiểm và gây tổn hại nghiêm trọng tới xã hội.

Bỏ án tử hình với 4 tội danh: Lo ngại mất sức răn đe và hiệu quả phòng ngừa tội phạm

Chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Tâm điểm tranh luận là đề xuất thay thế hình phạt tử hình bằng án tù chung thân không giảm án đối với 8/18 tội danh hiện hành. Trong số đó, 4 tội danh được nhiều đại biểu cho rằng không nên bỏ án tử hình, bao gồm: sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ.

“Có án tử mà còn không sợ, huống chi bỏ đi”

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM – bày tỏ sự đồng tình với chủ trương cải cách hình phạt; nhưng nhấn mạnh không thể áp dụng đồng loạt với toàn bộ 8 tội danh. Ông đặc biệt lo ngại việc bỏ tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy – một hành vi phạm pháp đang gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ nguy hiểm.

“Nếu bỏ án tử hình với tội này thì rất có thể Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy. Bây giờ có án tử mà người ta còn không sợ, huống chi bỏ đi,” ông Sang cảnh báo.

Tương tự, với các tội danh tham ô, nhận hối lộ; ông Sang cho rằng nếu người phạm tội biết chắc mình không phải chịu án tử thì sẽ không còn động lực khắc phục hậu quả. Vụ án Trương Mỹ Lan là minh chứng rõ nét: “Chính nhờ có khung án tử mà tài sản mới được thu hồi. Nếu không, liệu còn hiệu quả nào?

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang. (Ảnh: Hoàng Hà)

Làm thuốc giả là giết người gián tiếp

Tội sản xuất và buôn bán thuốc giả; dù hiếm khi bị tuyên án tử hình, lại gây hậu quả nghiêm trọng khôn lường. Đại biểu Sang cảnh báo: “Đây là hành vi kinh doanh trên nỗi đau người bệnh. Tác hại không thể đo lường.”

Đồng quan điểm, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) gọi đây là “hành vi giết người gián tiếp”. Theo ông, thuốc giả gây tử vong, tốn kém; làm suy yếu hệ thống y tế và hủy hoại niềm tin xã hội. “Làm giả thuốc là đánh đổi mạng sống người khác để trục lợi.”

Nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM – khẳng định không nên bỏ án tử hình với 4 tội danh nguy hiểm. Bà nêu rõ, tình hình tội phạm không hề “êm đềm” như mong đợi; mà ngược lại, ngày càng phức tạp. “Chúng ta nhân văn với tội phạm là độc ác với đồng bào mình, với những người sống tuân thủ pháp luật,” bà Lan nhấn mạnh.

Với tội danh tham ô và nhận hối lộ, bà Lan đặt câu hỏi: “Nếu tội phạm biết chắc không bị tử hình, liệu có còn ai sợ mà nộp lại tiền, khắc phục thiệt hại?

Giữ án tử để ngăn chặn tội phạm và bảo vệ xã hội

Nhiều đại biểu cho rằng tử hình không chỉ là hình phạt tối thượng mà còn là công cụ răn đe và ngăn chặn các hành vi nguy hiểm. Tội phạm ma túy, theo đại biểu Trịnh Minh Bình; là nguồn gốc của hàng loạt tội ác khác như giết người, cướp bóc, bạo lực gia đình… Việt Nam vẫn là điểm nóng về ma túy trong khu vực, vì vậy không thể nới lỏng.

Với tội tham ô, ông Bình nhấn mạnh đây là hành vi phá hoại tài sản quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân; đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Việc bỏ án tử có thể khiến dư luận hiểu sai, cho rằng “có thể chuộc lỗi bằng tiền”.

Cân nhắc, nhưng không nên xóa bỏ

Một số đại biểu kiến nghị nên phân loại kỹ mức độ vi phạm để áp dụng mức hình phạt phù hợp; tránh lạm dụng án tử hình. Tuy nhiên, họ khẳng định: với 4 tội danh đặc biệt nghiêm trọng – ma túy, tham nhũng; hối lộ và làm thuốc giả – thì hình phạt tử hình vẫn là cần thiết, vừa răn đe vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo: Vietnamnet