Brazil: Hơn 54.000 người nhiễm Covid-19/ngày vì chủ quan
Brazil được dự đoán sẽ vượt qua Hoa Kỳ và sớm trở thành quốc gia bị virus tấn công nặng nhất. Hiện đã có hơn 1 triệu trường hợp xác nhận nhiễm coronavirus và 48.954 trường hợp tử vong, đánh dấu một cột mốc nghiệt ngã cho đất nước Nam Mỹ này.
- Cập nhật tối 20/6: Đề xuất đưa bệnh nhân 91 về nước; Biểu tình chống Trung Quốc lan khắp Ấn Độ
- Biển Đông: Nếu VN nộp đơn kiện, TQ có thể cử người làm thành viên toà án xét xử
- Thua 1-10 vì thiếu 6 cầu thủ đội một bị nhiễm Covid-19
Theo CNN, Bộ Y tế Brazil công bố chỉ trong ngày 19/06, có tới 54.771 trường hợp nhiễm mới, đây là mức tăng kỷ lục trong một ngày, đưa tổng số người nhiễm Covid-19 trên toàn Braizil lên tới 1.032.913.
Đại dịch Covid-19 đang nhanh chóng lan rộng mà không có dấu hiệu chậm lại, khi các thành phố lớn dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội, bắt đầu mở lại các nhà hàng, cửa hàng và các doanh nghiệp không quan trọng khác. Tuy nhiên, Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục hạ thấp mối đe dọa của đại dịch này.
Chuyện gì xảy ra với Brazil khi coronavirus xuất hiện?
Có thể nói, ngay từ khi coronavirus xuất hiện, Tổng thống Bolsonaro đã xem nhẹ đại dịch này, ông cho rằng Brazil không thể nhiễm virus khi nó đã lây lan qua các quốc gia như Trung Quốc, Ý và Hoa Kỳ. Tổng thống Bolsonaro chỉ miễn cưỡng đồng ý hồi hương công dân Brazil từ Hồ Bắc.
Trường hợp đầu tiên ở Brazil được xác nhận nhiễm virus Vũ Hán vào ngày 26/02, nhưng lúc đó được cho là trường hợp cá biệt xảy ra với một người đàn ông đã bay bay từ Ý đến Sao Paulo. Một tháng sau, các trường hợp nhiễm coronavirus ở Brazil đã tăng lên gần 3.000 và số người chết là 77.
Đến lúc này, TT Brazil nói virus chỉ là “bệnh cúm nhỏ” và nói rằng người Brazil có khả năng miễn dịch với virus cúm trong cuộc họp báo ngày 26/03 bên ngoài dinh thự tổng thống Alvorada ở Brasípa. Cũng trong cuộc họp báo này, Bolsonaro nói rằng ông tin rằng nhiều người Brazil bị nhiễm bệnh nhưng những người đó đã có “các kháng thể giúp [coronavirus] không lây lan”.
Tuy nhiên, thực tế là số người nhiễm bắt đầu nhanh chóng lan rộng khắp Brazil.
Đến ngày 08/04, Brazil đã xác nhận hơn 15.000 trường hợp và 800 người chết. Bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế, hình ảnh TT Brazil ôm những người ủng hộ tại một tiệm bánh địa phương ở Brasíc và tạo dáng mà không đeo mặt nạ vẫn được đăng tải trên báo chí ngay ngày hôm sau.
Điều trái ngược là ông Bolsonaro tin rằng các biện pháp cách ly và cách ly xã hội được áp đặt ở các thành phố lớn, như Rio de Janeiro và Sao Paulo, sẽ gây ra nhiều tác hại hơn chính virus và khiến Brazil bị suy thoái. Ông nói: “Vấn đề thất nghiệp, vấn đề nền kinh tế không còn hoạt động. Chúng ta không thể để tác dụng phụ của cuộc chiến chống lại virus gây hại nhiều hơn chính căn bệnh này”.
Tổng thống thường xuyên đối đầu với các thị trưởng và thống đốc của một số nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và cuối cùng đã sa thải Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta vào ngày 16/04 sau khi ông này bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc đóng cửa các doanh nghiệp và trường học.
Brazil có thể có số người chết vì virus cao nhất thế giới
Theo một mô hình theo dõi của Đại học Washington, Brazil có thể vượt qua Mỹ và trở thành quốc gia có số ca tử vong do coronavirus cao nhất vào ngày 01/08 tới đây. Mô hình cũng dự đoán cái chết sẽ tăng hơn gấp đôi lên 100.000 trong vòng chưa đầy một tháng.
Miguel Lago, giảng viên tại Đại học Columbia và là giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chính sách y tế Brazil nói với CNN rằng: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ là nạn nhân chính của Covid-19 và điều này liên quan trực tiếp đến thực tế là chúng tôi không có kế hoạch quốc gia”.
Trung bình mỗi ngày, Brazil có khoảng 30.000 người nhiễm mới, số người tử vong là khoảng 1.200 mỗi ngày.
Theo Tuổi trẻ, Bộ Y tế Brazil đã xóa số liệu thống kê về COVID-19 trong những tháng qua khỏi trang web chính thức của họ từ ngày 06/06, theo đó toàn bộ thống kê về người nhiễm và chết vì coronavirus đã đăng trước đó theo từng bang, thành phố, số liệu tổng số ca nhiễm và tử vong không còn nữa, thay vào đó chỉ có số ca nhiễm, tử vong và hồi phục trong 24 giờ.
Tiếp đến vào ngày 7-6, Brazil chỉ đưa ra tổng số ca nhiễm và tử vong mà không công bố số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ gần nhất và lùi thời điểm cập nhật số liệu COVID-19 hằng ngày, từ 17h00 lên 22h00. Bộ trưởng Y tế nước này cho biết lệnh xóa bỏ số liệu do Tổng thống Jair Bolsonaro trực tiếp yêu cầu.
Việc này đã đưa đến làn sóng phản đối của công chúng, của ngành y tế và lãnh đạo các bang, họ cho rằng Tổng thống Brazil đang “kiểm duyệt” số liệu về dịch bệnh.
Người đứng đầu Hiệp hội Báo chí Brazil, Paulo Jeronimo de Sousa, cho biết: “Minh bạch thông tin là công cụ mạnh mẽ để chống dịch”. Paulo nhận định rằng chính phủ đang cố “bịt miệng” báo chí bằng cách công bố số liệu vào cuối ngày.
Ông Paulo Câmara, thống đốc bang Pernambuco ở miền đông bắc, cũng công khai lên tiếng rằng: “Chúng ta không thể đối diện với đại dịch mà không dựa trên khoa học, sự minh bạch và hành động. Thao túng, bỏ qua và thiếu tôn trọng số liệu là những dấu ấn của một chính quyền độc tài. Những điều này đã phá hủy nỗ lực chung của cả quốc gia”.
Mới đây nhất, Tổng thống Jair Bolsonaro dọa sẽ rút Brazil ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi WHO lên tiếng cảnh báo rằng việc lây nhiễm COVID-19 sẽ trầm trọng hơn khi dỡ bỏ phong tỏa sớm.
Tình hình hiện nay ở Brazil là xe điện ngầm đông đúc, xe bus đầy ắp người, ngân hàng mở cửa tấp nập. Các chuyên gia y tế công cộng nói rằng, tình trạng lộn xộn này đã khiến các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và nhà xác trở nên quá tải.
Cuộc khủng hoảng y tế mà Brazil hiện phải đối mặt hoàn toàn trái ngược với các ghi nhận về các cách phản ứng đột phá và nhanh nhẹn trước những thách thức y tế trước đây của Brazil, điều từng khiến nước này trở thành một hình mẫu ở các nước đang phát triển trong các thập kỷ trước.
Giáo sư người Brazil Marcia Castro thuộc Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu nhận định: “Brazil đáng lẽ nên là một trong những nước phản ứng tốt nhất đối với đại dịch này. Tuy nhiên, ngay bây giờ, mọi thứ hoàn toàn vô tổ chức và không ai làm việc để hướng tới các giải pháp chung. Điều này đã phải trả một cái giá và cái giá đó chính là mạng sống của người dân”.