Kiến ba khoang dầy đặc tấn công các khu dân cư, ký túc xá TP.HCM
Sài Gòn đang vào mùa mưa, độ ẩm cao nên kiến ba khoang xuất hiện nhiều. Khi bị cắn da sẽ bị tổn thương diện rộng, bỏng rát, có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
- Người đàn ông nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ sau khi ăn hàu sống
- Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, nguy cơ 3 ổ dịch
- TP.HCM: Xuất hiện 4 ổ dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng chỉ trong một tuần
Thời gian gần đây, ở ký túc xá – Đại học Quốc gia TP.HCM xuất hiện nhiều kiến ba khoang, khiến nhiều sinh viên bị chúng cắn. Có người bị cắn từ năm ngoái đến nay vẫn để lại sẹo.
Các sinh viên trong KTX cho biết, kiến ba khoang thường sống ở những nơi ẩm thấp như quanh gốc cây, bãi cỏ, ruộng rau, bãi rác, những nơi xây dựng dang dở, dưới đống gạch đá, hay đống thực vật mục nát.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất là chúng thường xuất hiện tại phòng ngủ, phòng làm việc ở KTX. Nhiều nhất là về đêm, kiến ba khoang theo ánh sáng đèn, sau đó di chuyển vào giường, chiếu, chăn, màn, quần áo… Nếu vô tình tiếp xúc dịch tiết của chúng, nạn nhân sẽ bị tổn thương da, cảm giác ngứa ngáy, đau, rát, khó chịu.
Kiến ba khoang có kích thước từ 1,5 đến 2 mm, thân dài, có khoang màu đỏ và đen xen kẽ. Ngoài ra nó còn có tên gọi khác như kiến gạo, kiến lác, kiến nhốt, kiến cong, kiến khoang. Là loài côn trùng có 3 đôi chân và 2 đôi cánh. Cơ thể chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ngoài da nên không đủ gây chết người.
Khi bị kiến cắn, nạn nhân có cảm giác hơi ngứa, rát, da đỏ nhẹ. Sau 6-12 tiếng, da xuất hiện thành vệt, nổi nhiều mụn nước hoặc mụn mủ li ti. Bệnh nhân cảm thấy đau, bỏng rát, khó chịu, thậm chí nổi hạch, sốt nhẹ. Nếu dịch tiết dính gần mắt có thể làm mắt bị sưng. Biểu hiện viêm da rất dễ bị nhầm với với bệnh zona (giời leo).
Biện pháp xử lý khi tiếp xúc kiến ba khoang
Khi kiến ba khoang bò lên người, không dùng tay trần để bắt, giết, hay miết trên da. Bạn có thể thổi hoặc đặt tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người.
Nếu tiếp xúc với dịch tiết, bạn cần nhanh chóng rửa sạch bằng nước hoặc nước muối sinh lý. Tránh để dịch tiết chạm sang vùng da khác. Trường hợp nhẹ có thể sát khuẩn bằng gel, thoa dung dịch làm dịu da. Nếu vết thương nặng thì nên đến cơ sở y tế để xử lý đúng cách. Bệnh nhân có thể được chỉ định uống kháng sinh, thuốc giảm đau, hoặc dùng corticosteroid. Thông thường tổn thương sẽ ổn định sau 5 đến 7 ngày.
Cách phòng tránh
Nên mắc màn khi ngủ. Tránh đứng dưới ánh sáng đèn nơi công cộng. Bật đèn ban công để thu hút kiến ba khoang ra ngoài. Đóng kín cửa để hạn chế chúng bay vào nhà. Phát quang bụi rậm và phun thuốc diệt côn trùng quanh nhà.