Thân phận bơ vơ của hai cháu bé bị bỏ rơi trên đê ở Hà Nội
Không có hộ khẩu nên hai đứa trẻ không làm được thủ tục để nhà chùa nhận nuôi; trong khi mẹ và ông ngoại đã mất, còn không rõ bố các cháu là ai. Sau đó, người bác vì hoàn cảnh nên không nuôi được hai cháu.
- Người phát hiện hai bé bị bỏ rơi ở Hà Nội: ‘Tôi sẽ xin nhận nuôi các cháu’
- Hai em bé bị bỏ rơi giữa thời tiết 10 độ kèm bức thư ‘bố mẹ mất rồi, ai nhặt được xin nuôi hộ’
- Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong đêm giá rét, kèm lá thư ‘mẹ có lỗi với con’
Trong ngày 11/1, một người đàn ông đến UBND xã Lê Lợi trình diện và nhận là người thân của 2 cháu bé bị bỏ rơi trên đê sông Hồng. Người này đưa ra giấy khai sinh bản sao của 2 cháu bé do UBND phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) cấp vào tháng 9/2020.
Theo những thông tin được đăng trên tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, chiều 12/1, UBND phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội) xác nhận, hai cháu bé bị bỏ rơi tại khu vực đê sông Hồng thuộc xã Lê Lợi (Thường Tín) là con của chị Bùi Quỳnh L. sinh năm 1985, từng sinh sống ở địa phương; hiện chị L. đã mất.
Tháng 5/2006, chị L. kết hôn cùng anh Đ.M. C. (38 tuổi, ở Phúc Xá, Ba Đình. Họ có con tên G. (hiện 14 tuổi). Một thời gian sau, 2 vợ chồng ly thân. Sau đó, chị L. sinh thêm 2 bé nữa là cháu Quỳnh Anh, 5 tuổi và Nam, 3 tuổi.
Do mắc bệnh hiểm nghèo, chị L. đã uỷ quyền cho cha mình là ông Đ. làm thủ tục khai sinh cho hai cháu theo giấy chứng sinh. Ông Đ. không xuất trình được hộ khẩu người cha, bản thân chị L. cũng không biết bố của 2 đứa trẻ là ai.
Tháng 6/2020, UBND phường Yên Phụ có văn bản gửi Công an quận Ba Đình, đề nghị xác minh nơi thường trú của anh C., nhưng công an trả lời không có nhân khẩu nào tên Đ.M.C thường trú và sinh sống tại phường Phúc Xá.
Cuối tháng 6/2020, chị L. qua đời. UBND phường Yên Phụ đề xuất hướng đăng ký giấy khai sinh cho 2 cháu bằng cách, phần ghi thông tin người bố căn cứ vào đăng ký kết hôn của chị L. và anh C.
Phần cư trú của người cha bỏ trống do không có kết quả xác minh. Họ, quê quán của 2 cháu lấy theo họ, quê quán của mẹ. Phần cư trú của người mẹ ghi đã chết.
Giải thích thêm về việc để tên anh C., trong phần thông tin người bố, đại diện tư pháp phường Yên Phụ cho hay, trên thủ tục pháp lý, anh C. và chị L. vẫn trong thời điểm hôn nhân, chưa ly hôn.
Tuy nhiên, anh C. không cho hai cháu nhập khẩu về gia đình mình do không phải con đẻ. Hai bé sau đó về ở với mẹ và ông ngoại trên đường An Dương, phường Yên Phụ.
Sau khi người mẹ qua đời, 2 cháu ở với ông ngoại. Do ông ngoại già, không có đủ điều kiện chăm sóc, nên tháng 9/2020, đã mang qua chùa An Định (chùa Dành) ở Thường Tín gửi nuôi.
Sau khi ông ngoại qua đời, đại diện tư pháp phường Yên Phụ vận động người anh cùng cha khác mẹ của chị L. là ông V. đón 2 cháu về nuôi. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, anh V. chạy xe ôm, còn vợ bán hàng vặt, không đủ điều kiện nuôi 2 cháu.
Nhà chùa mong muốn nhận nuôi 2 cháu, nhưng do không có hộ khẩu nên không được UBND xã Lê Lợi chấp thuận.
Theo người bác của 2 đứa trẻ kể lại, ngày 6/1, nhà sư ở chùa gọi điện cho ông nói xuống đón các cháu về. Đến ngày 9/1, người bác đến đón các cháu về, khi tới điếm 97 bờ đê sông Hồng thuộc địa bàn xã Lê Lợi đã bỏ lại 2 cháu ở đây. Người này đứng từ xa khoảng 50m quan sát, chờ người phát hiện, nhận 2 cháu rồi mới rời đi.
Trước đó, trên báo Người Lao Động đưa tin, trưa ngày 9/1, chị Bích cùng em gái ra khu vực đê sông Hồng, phát hiện 2 cháu nhỏ cầm túi xách, đứng trên đê khóc, nên chị đã đến hỏi han thì được biết hai cháu bị bỏ lại.
Khi kiểm tra bên trong chiếc túi cháu đang giữ thì thấy quần áo, giày dép và một số đồ dùng.
Một cháu có lấy trong túi quần ra số tiền 1,2 triệu đồng và một mảnh giấy viết tay nguệch ngoạc có nội dung: “Tôi có hai đứa cháu này, bố mẹ nó đều đã chết rồi, tôi không nuôi được, ai nhặt được thì xin nuôi hai cháu giúp tôi…”.