Nhật yêu cầu Trung Quốc ngừng xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn đối với công dân của mình
Nhật hôm 1/3 đã yêu cầu Trung Quốc dừng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn đối với công dân nước này khi họ nhập cảnh, vì phương pháp này đã gây ra nỗi đau tâm lý.
- Trung Quốc làm giàu trong đại dịch COVID-19 nhờ bán bơm kim tiêm cho Mỹ
- Tòa án Tối cao bác bỏ hai vụ kiện bầu cử ở Wisconsin, Arizona của Luật sư Powell
- Trung Quốc bắt nhà ngoại giao Mỹ xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn
Theo BBC, các quan chức Nhật cho biết một số người khiếu nại rằng phương pháp này khiến họ “căng thẳng về tâm lý”.
Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng phương pháp lấy dịch qua đường hậu môn để phát hiện COVID-19 vào đầu năm nay, chủ yếu dành cho những đối tượng có nguy cơ cao, những người đã được kiểm dịch và du khách đến thủ đô Bắc Kinh. Cách này được sử dụng rộng rãi hơn trong các đợt bùng phát dịch trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc.
Tuần trước, Bắc Kinh đã phủ nhận việc yêu cầu các nhân viên ngoại giao Mỹ phải xét nghiệm COVID-19 bằng cách lấy dịch qua đường hậu môn. Động thái này diễn ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin một số người khiếu nại về phương pháp này.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết: “Một số công dân Nhật đã báo cáo với đại sứ quán của chúng tôi ở Trung Quốc rằng họ phải chịu nỗi đau tâm lý nặng nề vì lấy mẫu xét nghiệm qua đường hậu môn”.
Chưa rõ có bao nhiêu công dân Nhật đã được yêu cầu xét nghiệm như vậy, theo ông Kato.
Chánh văn phòng Nội các Nhật bản cũng lưu ý rằng không có quốc gia nào khác trên thế giới kết hợp loại thử nghiệm này để kiểm tra COVID-19.
Ông Kato cho hay Trung Quốc vẫn chưa phản hồi yêu cầu của Nhật Bản về việc thay đổi quy trình xét nghiệm COVID-19 qua hậu môn, do đó, nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thay đổi phương pháp xét nghiệm.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố các xét nghiệm qua đường hậu môn chính xác hơn xét nghiệm ở mũi hoặc cổ họng. Hồi tháng 3 năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã hướng dẫn về cách thức tiến hành: Nếu không thể lấy mẫu phân, nhân viên y tế có thể dùng bông tăm đưa vào hậu môn của người cần được lấy mẫu 3-5 cm.
Vào thời điểm ra mắt, các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng các xét nghiệm này đã gây “tranh cãi giữa các chuyên gia” và chúng kém hiệu quả hơn nhiều so với xét nghiệm ở đường hô hấp trên. Họ nói rằng các xét nghiệm hiện có được ưu tiên hơn, vì họ tin rằng hầu hết mọi người đều lây nhiễm virus qua đường thở.