‘Cụt chân, tôi xin dọn rác vẫn bị nợ lương 7 tháng’
Hơn 200 công nhân môi trường Hà Nội bị công ty thu gom rác nợ lương khiến họ rơi vào cảnh túng quẫn, khó khăn phải đi chạy vạy, vay nợ khắp nơi trong gần một năm qua.
- Bị nợ lương 5 triệu đồng/tháng, công nhân môi trường phải nhặt ve chai sống qua ngày
- Hàng chục m3 gỗ quý là tang vật đã bị đánh tráo tại Cục THADS Đắk Lắk
- Người chết ở Ấn Độ được ‘cải táng’ bất đắc dĩ: Thi thể vẫn còn găng tay phẫu thuật, miệng ngậm ống thở ô xy
Liên quan đến vụ việc hơn 200 công nhân môi trường thuộc Công ty Minh Quân bị nợ lương gần một năm, mới đây, ngày 19/6, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội (công ty Minh Quân đổi tên) đã trả trước 500 triệu đồng tiền lương cho công nhân. Các khoản còn lại sẽ thanh toán trước ngày 10/7.
Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với báo Tuổi Trẻ: “Chỉ tính riêng tổ của tôi, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội thanh toán 500 triệu đồng, còn hơn 1,3 tỷ đồng nữa.
Ai cũng khó khăn nên mọi người cứ nhường nhau, người nào vay nợ nhiều hay nợ tiền học của con thì được ưu tiên nhận trước”.
Mẹ già cằn nhằn, con đòi bỏ học
Là một trong những công nhân bị công ty Minh Quân nợ lương, chị Nguyễn Thị Minh Uyên (quê ở Thái Bình) cho biết, chị làm việc thu gom rác cho công ty từ năm 2017, với số tiền công 174.000 đồng/ngày lương nhưng đến năm 2020 thì bị chậm.
Là trụ cột chính trong gia đình, chị phải nuôi con nhỏ và mẹ già, hoàn cảnh chị vốn khó khăn thì nay lại càng chật vật hơn.
Tôi ở với con trai đang học lớp 3 và mẹ già, cứ mỗi lần đi làm về nếu không có tiền là mẹ tôi bắt đầu chửi mắng. Thậm chí, tôi đã từng ra thuê trọ ở riêng vì không chịu được những câu quát mắng của mẹ”, chị Uyên nhớ lại.
Gạo hết thì đi vay được nhưng đến hạn đóng tiền học phí cho con trai chị Uyên đành phải ngậm ngùi: “Lúc nào cũng là người đóng tiền muộn nhất cho con nên khi đến lớp cháu hay bị các bạn trêu. Tôi cũng khuyên và động viên cháu, thậm chí nhờ người đưa đến trường nhưng cháu xấu hổ và không chịu. Có đợt, cháu nghỉ học cả 3-4 ngày”, chị Uyên chia sẻ với báo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị.
Bước đường cùng chọn nghề nhặt rác, vẫn bị nợ lương
So với chị Uyên, hoàn cảnh ông Nguyễn Văn Đăng (ở Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) không khá hơn là mấy. Mặc dù đã gần 60 tuổi, bị tai nạn nên ông cụt mất một chân, nhưng hàng ngày, ông Đăng vẫn đeo chân giả, miệt mài với công việc dọn rác.
Sau khi nghỉ làm công ty Minh Quân, ông chuyển sang làm việc ở công ty môi trường khác cách nhà khoảng 30 km, vì đường xa mỗi ngày ông Đăng phải đi xe bus trước giờ làm 2 tiếng để không trễ việc.
Công việc của ông Đăng là dọn rác trong hầm của chung cư, mỗi ca làm thường kéo dài đến khoảng 1, 2 giờ đêm. Sau khi xong việc, ông trở về túp lều dựng tạm phía sau khu điền kinh của thành phố, chờ trời sáng để bắt xe bus về nhà.
Ông Đăng kể, từ khi sang công ty mới làm việc, tiền lương, phụ cấp được đảm bảo, không còn như lúc làm việc cho công ty Minh Quân “Hai vợ chồng tôi làm cho công ty Minh Quân từ năm 2017, đến năm 2020 thì mỗi người bị nợ lương 7 tháng. Đến nay chúng tôi vẫn còn khoảng 40 triệu chưa được công ty này thanh toán”, ông Đăng nói.
“Tôi bị tai nạn nghề nghiệp, mất 1 chân đã hơn 20 năm nay nên chẳng làm được việc gì. Ở nhà, trồng được vài sào lúa nhưng chuột cắn hết, nuôi cá thì lỗ vốn nên hai vợ chồng rủ nhau vào nội thành dọn rác kiếm sống.
Thời gian công ty chậm trả lương, không có tiền, nên đêm nào ông cũng đi nhặt từng tí nhựa, giấy để bán, kiếm được 50 – 70 nghìn đồng mỗi ngày, hai vợ chồng ông chỉ đủ rau cháo cho xong bữa. Nếu có việc như giỗ chạp, sửa nhà thì đi vay họ hàng, người thân, ông tâm sự.
Hiện tại, ông Đăng, chị Uyên và hơn 200 công nhân khác vẫn đang trông ngóng từng ngày để nhận được toàn bộ số tiền mà công ty Minh Quân còn nợ. Nếu thêm một ngày chậm lương, cuộc sống của họ chắc chắn sẽ thêm khổ cực.