Biển Đông: Bắc Kinh đánh lận con đen “gây bất ổn hoà bình khu vực”
Ngày 18/04, Trung Quốc ngang ngược thành lập “hai quận” quản lý quần đảo Hoàng Sa, và quần đảo Trường Sa. Rồi Bắc Kinh thông báo đặt tên cho 80 thực thể địa lý, trong đó có nhiều vị trí dưới đáy biển. Vì sao Trung Quốc lại quyết định đặt tên mới cho 13 bãi ngầm chung quanh Đá Tây mà Việt Nam đang kiểm soát? Trung Quốc có thể nào chuẩn bị dư luận để tấn công Trường sa?
- Cập nhật tối 2/5: Trung Quốc lại ngang ngược cấm đánh cá ở Biển Đông; Mỹ điều 4 máy bay ném bom đến Guam
- Biển Đông: Trung Quốc lại vi phạm luật quốc tế
- Biển Đông: Công hàm 1958 không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc
Trước đó, ngày 17/04, Trung Quốc gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc đòi Hà Nội “rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà Việt Nam đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp” ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc viện dẫn công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai như bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm 17/04 được giới quan sát cho là ẩn chứa đe dọa sử dụng vũ lực. Các chuyên gia nhắc lại chỉ ít tuần trước khi Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh cũng có động thái tương tự.
Chẳng biết phía Việt Nam còn nhớ bài học lịch sử này không nhưng dường như chính quyền Mỹ đang gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông để ngăn ngừa nguy cơ Trung Quốc manh động.
Hôm 21/04, Hải Quân Hoa Kỳ xác nhận tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đã được triển khai ở Biển Đông.
Hôm 22/04, bộ Quốc Phòng Úc cho biết tàu hộ vệ tên lửa HMAS Paramatta của Hải quân Hoàng gia Úc tham gia tập trận cùng với ba chiến hạm Mỹ ở Biển Đông.
Hôm 28/04, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink đã công khai trên truyền thông Việt Nam bày tỏ thái độ “kịch liệt phản đối và lên án Trung Quốc lợi dụng việc các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch để thúc đẩy những hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông,”
“Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch với các nước khác. Trung Quốc đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực. Như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra dọa dẫm tàu các nước khác, tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…”
“Đây không phải là những hành vi thể hiện thiện chí đối tác, cũng chẳng giúp Trung Quốc nhận được sự tin cậy trong khu vực. Tôi muốn nhắc lại quan điểm đã nêu ở trên, Hoa Kỳ kịch liệt lên án và phản đối những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, lợi dụng tình hình dịch bệnh thúc đẩy những hành vi phi pháp và hiếu chiến hòng đạt được những yêu sách phi lý.”
Ngày 30/04, hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer đã bay huấn luyện trong vòng 33 giờ với trọng tâm là Biển Đông. Lần huấn luyện trước đó của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer là cùng với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, cách đây một tuần, theo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mỹ.
Ngày 01/05/2020, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đánh lận con đen cáo buộc Hoa Kỳ thúc đẩy “quân sự hóa” Biển Đông.
Trang Đánh giá Tài chính (Financial Review) dẫn lời người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc Ngô Khiêm lên án cuộc tập trận Mỹ-Úc, với nhận định: “Thực tế đã một lần nữa chứng minh Hoa Kỳ là kẻ thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông và là kẻ gây bất ổn hòa bình và ổn định khu vực”.
Phát ngôn viên Ngô Khiêm khẳng định: “Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc luôn trong tình trạng báo động cao, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của quốc gia, cũng như hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực”. Nhưng tuyên bố này không nhận được sự tung hô, tán thưởng thậm chí từ những người “đồng chí tốt, láng giềng tốt”.