Châu Âu đẩy lùi Bắc Kinh với màn phô diễn sức mạnh tại Ấn Độ – Thái Bình Dương
Tàu sân bay lớn nhất của Anh cùng nhóm tàu tấn công sẽ tham gia tập trận cùng Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand, và cường quốc châu Âu Pháp gần Biển Đông.
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt khiêu khích ở Biển Đông
- Tình báo Mỹ đột nhập máy chủ chứa dữ liệu quan trọng từ phòng thí nghiệm virus Vũ Hán?
Tờ Nikkei dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng: “Rất hiếm khi một tàu sân bay Anh tham gia” vào các sự kiện như vậy, cho thấy tầm quan trọng của cuộc tập trận.
Các nước đồng loạt hành động thách thức Trung Quốc
Sự xuất hiện của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một phần trong chiến lược năm nay của các nước lớn ở châu Âu gửi hải quân tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhằm thể hiện sự ủng hộ Washington trong việc kiềm chế Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Anh, Pháp, cùng Mỹ và Nhật Bản đều nhận định các tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và các cuộc tập trận ở Biển Philippines liên quan vấn đề này.
“Khi chúng tôi chứng kiến sự mất cân bằng của cán cân quyền lực tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác của mình ở đây để bảo vệ các giá trị dân chủ, giải quyết các mối đe dọa chung và giữ an toàn cho đất nước của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong một thông báo hồi tháng 7 .
Tàu sân bay của Anh khởi hành vào tháng 5 và tham gia các cuộc tập trận với Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7, trước khi quá cảnh qua eo biển Luzon phía Nam của Đài Loan vào Chủ nhật (8/8). Sau cuộc tập trận trên Biển Philippines, nó dự kiến sẽ cập cảng Nhật Bản vào tháng 9.
Hồi tháng 5, Pháp đã điều một tàu khu trục và một tàu tấn công đến gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh xây dựng quân sự. Một tàu ngầm tấn công của Pháp cũng đi qua Biển Đông vào đầu năm nay, trong khi các máy bay chiến đấu và máy bay vận tải sẽ tiến hành cuộc tập trận trong tháng này tại khu vực Đông Nam Á, kéo dài từ Ấn Độ đến Úc.
Ngoài ra, khinh hạm Bayern của Đức đã khởi hành đến Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương từ ngày 2/8, với 230 thuyền viên trên tàu. Theo Bộ Ngoại giao Đức, con tàu này sẽ đi qua Biển Đông.
Sự tham gia ngày càng sâu rộng của Anh và Pháp ở khu vực xa xôi mà họ vốn ít có lợi ích trực tiếp,cho thấy việc ngày càng ý thức được tầm ảnh hưởng quốc tế của một quốc gia gắn liền với sự hiện diện của quốc gia đó ở châu Á. Sự ý thức này tăng gấp đôi khi liên quan đến các chính sách đối với Trung Quốc, cường quốc kinh tế lớn nhất khu vực.
Ngay cả khi London và Paris chỉ có lực lượng hạn chế ở châu Á, thì kết hợp với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có thể củng cố vị thế ngoại giao của họ đối với Bắc Kinh và trở thành một lá bài trong các cuộc đàm phán kinh tế, theo Nikkei.
Các động thái của châu Âu đã chọc giận Trung Quốc
Tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài xã luận vào tuần trước, viết rằng: “Việc nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth tới Biển Đông là nỗ lực của Anh nhằm thể hiện sự hiện diện của mình trong khu vực”.
Tờ báo này cảnh báo: “Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự của mình ở Biển Đông, và các tàu sân bay do Mỹ và đồng minh triển khai sẽ rất dễ bị tổn thương trước các cuộc xung đột quân sự cực đoan”. Quân đội Trung Quốc dự kiến tổ chức các cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 6-10/8.
Các nước Đông Nam Á có quan điểm trái chiều trước sự kiện này. Một người trong quân đội Indonesia có quan điểm tích cực về việc triển khai tàu chiến là “một động thái khẳng định Biển Đông không thuộc về Trung Quốc”.
Một người khác lại cho rằng “Mỹ và châu Âu nên kiềm chế những hành động có thể kích động Trung Quốc một cách thái quá”. Indonesia nằm trong số nhiều quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và đang dựa vào nước này để có được nguồn vắc xin Covid-19.
Nick Childs, chuyên gia cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (London), cho biết động thái của các nước châu Âu ở châu Á cho thấy “trọng tâm kinh tế đang chuyển sang khu vực này của thế giới.”
“Ngoài ra, các quốc gia khác nhau có các chính sách và cách tiếp cận hơi khác nhau”, ông nói thêm.
Ví dụ, Đức hy vọng tránh đối đầu trực diện với đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc và không tham gia các cuộc tập trận trên Biển Philippines.
Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas cho biết Berlin muốn “có trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” với việc triển khai tàu chiến, nhưng hành trình của tàu bao gồm cả cập cảng ở Thượng Hải.