Hồng Kông từng là một thành phố cho phép người dân công khai tưởng niệm các nạn nhân của vụ Thảm sát Thiên An Môn ở Bắc Kinh cách đây 33 năm.

Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc đại lục. Nhưng ở Hồng Kông, các buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của cuộc đàn áp từng thu hút hàng trăm nghìn người tham dự. Đó là một lời nhắc nhở về mức độ tự do khiến thành phố từng là thuộc địa của Anh khác biệt với các thành phố khác của Trung Quốc.

Giờ đây, 33 năm sau vụ thảm sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ép buộc người dân Hồng Kông phải xóa nhòa ký ức đẫm máu này.

Cảnh sát Hồng Kông đang áp dụng các biện pháp của Trung Quốc đại lục để ngăn chặn người dân tưởng nhớ các nạn nhân.

“Về cơ bản họ đã áp dụng cách tiếp cận của Trung Quốc đại lục, nghĩ rằng bằng cách kiểm duyệt tất cả các tiếng nói bất đồng, họ có thể tạo ra ảo tưởng rằng xã hội hòa bình và ổn định”, ông Eric Lai Yan-ho, một thành viên tại Trung tâm Luật Châu Á Georgetown, nói với VICE.

“Nhưng phương pháp này không hiệu quả ở Hồng Kông. Họ càng cố gắng cấm bất kỳ lễ tưởng niệm nào, thì họ càng nhắc nhở mọi người về ý nghĩa của nó và làm nổi bật sự tương phản với ba thập niên qua, nơi mọi người được phép tưởng nhớ các nạn nhân một cách tự do và hợp pháp”.

Chính quyền Trung Quốc đã gỡ bỏ một bức tượng dành riêng cho các nạn nhân tại trường đại học hàng đầu của Hồng Kông. Cảnh sát đã đột kích một bảo tàng kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Những cuốn sách đề cập đến vụ giết hại đã bị loại bỏ ra khỏi các thư viện công cộng ở Hồng Kông.

“Người dân trên khắp thế giới đều biết về vụ Thảm sát Thiên An Môn, trừ những người Trung Quốc bị tẩy não", một cư dân mạng bình luận trên Twitter (ảnh chụp màn hình).
“Người dân trên khắp thế giới đều biết về vụ Thảm sát Thiên An Môn, trừ những người Trung Quốc bị tẩy não”, một cư dân mạng bình luận trên Twitter (ảnh chụp màn hình).

Những người tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm đã bị tống giam và bị kết tội “kích động lật đổ”, trong khi người dân bị cảnh báo là không được tụ tập trái phép.

Nhưng đối với nhiều người, việc ĐCSTQ trấn áp tự do của Hồng Kông chỉ củng cố thêm niềm tin của họ.

“Một ngọn lửa bập bùng có vẻ giống như một hình thức phản kháng nhẹ nhàng, nhưng đó chính xác là điều mà ĐCSTQ lo sợ”, phóng viên kỳ cựu Ching Cheong nói.

“Lưu giữ cho những ký ức sống động là một vũ khí mạnh mẽ chống lại một chế độ đã mất thẩm quyền đạo đức của nó.”

Ông lưu ý rằng việc Bắc Kinh xóa nhòa ký ức của người Hồng Kông đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Ông cho biết nhiều cư dân rời Hồng Kông đã tham gia hoặc tổ chức các sự kiện trên khắp thế giới để tưởng nhớ ngày 4/6.

Văn phòng EU và các lãnh sự quán của Mỹ và Phần Lan tại Hồng Kông đã đặt những ngọn nến trên ngưỡng cửa sổ của họ trong dịp kỷ niệm Thảm sát Thiên An Môn năm 2022.