Bác sĩ lý giải bệnh nhân 188 dương tính lại sau 2 ngày xuất viện
Bệnh nhân 188 ra viện ngày 16/4 và về nhà tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hai ngày sau có biểu hiện ho khan, sốt nhẹ, xét nghiệm cho kết quả dương tính lại với nCoV. Các chuyên gia có những lý giải khác nhau về việc này.
- Vụ tai nạn nguy kịch, gọi 115 không nghe máy: Nạn nhân tử vong, ca trực nói gì?
- Để lại thư tuyệt mệnh, Trưởng phòng Cục Thuế Thanh Hóa nhảy cầu
- Biển Đông: Ác bá hoành hành
Ca bệnh 188 là chị L.T.H, 44 tuổi ở thôn Khôn Duy, Mỹ Lương, Chương Mỹ, Hà Nội. Bà H. là nhân viên Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 16/4, Dân trí đưa tin bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho xuất viện, xe của Công ty Trường Sinh đưa bệnh nhân về địa phương, tự cách ly tại nhà, được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi.
Sáng 17/4, bệnh nhân ho khan từng cơn, sốt nhẹ, tức ngực, được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội lấy mẫu. Ngày 18/4 xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV, bệnh nhân đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để tiếp tục theo dõi.
Ông Dương Viết Tài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho Dân trí biết, khi về địa phương ngành y tế vẫn cách ly y tế người bệnh tại nhà theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có cán bộ y tế theo dõi. Tiếp xúc gần (F1) là chồng và con gái, được đưa tới cách ly tại Đại học Quốc gia Hà Nội ở Thạch Thất, có 12 người F2 được tổ chức cách ly tại gia đình.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, PGS.TS Lê Quang Minh cho biết trong quá trình 18 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, bệnh nhân không có gì đặc biệt. Sở Y tế Hà Nam đã trao đổi với Bệnh viện Đa khoa Hà Nam và có đưa ra nhiều giả thiết, song cần nghiên cứu thêm sẽ trao đổi sau.
Theo Zing, lý giải vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay khi người bệnh bắt đầu có triệu chứng, nCoV có nhiều ở trên vùng hầu họng, sau đó virus thường tấn công xuống phổi. Khi phổi tổn thương, các tế bào nhiễm virus sẽ bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus.
Những bệnh nhân phục hồi, có người hoàn toàn không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại nói trên, sẽ có chứa lẫn những vật liệu di truyền của virus. Lúc này, khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có nghĩa là nhiễm bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới đang nghiên cứu về các trường hợp này, điều tra ban đầu cho thấy một số nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
Nguyên nhân đầu tiên được cho là có thể Virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân hoạt động trở lại nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển đủ mạnh để chống lại virus hoặc là hệ miễn dịch đã bị yếu đi sau khi hồi phục.
Nguyên nhân thứ hai được đặt ra là loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái “ngủ” trước khi được kích hoạt trở lại, các test xét nghiệm phát hiện ra vật liệu di truyền của virus tồn tại trong tế bào, gọi là những phần chết của virus mà không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể do lỗi trong việc lấy mẫu, xử lý mẫu và xét nghiệm. Vì vậy có trường hợp phải xét nghiệm từ 3-4 lần âm tính liên tiếp mới được công bố khỏi bệnh, sau đó bệnh nhân tiếp tục thực hiện cách ly thêm 14 ngày.
Đến nay, Việt Nam và thế giới chưa ghi nhận những ca lây nhiễm thứ phát từ bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Tuy nhiên, các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân sau xuất viện để phục vụ công tác theo dõi, nghiên cứu về cơ chế gây bệnh của loại virus nguy hiểm và còn rất mới này.