Bi kịch của ‘tiểu phấn hồng’ – những đứa con bị chính quyền Trung Quốc bỏ rơi
Những năm qua, đã có hàng triệu học sinh Trung Quốc bay đến các nước phương Tây với bệ phóng tinh thần được Bắc Kinh tuyên truyền bằng các mỹ từ “mang theo lòng yêu nước, tự hào dân tộc”. Những, rất nhiều trong số đó – những “tiểu phấn hồng” của Trung Quốc, trong dịch Covid-19, đã bị chính quyền quê hương của họ quay lưng.
Nếu có gì để giới thiệu ngắn gọn về Jame Liu, thì đó là một du học sinh 21 tuổi vừa tốt nghiệp một trường đại học ở vùng trung tây nước Mỹ, và đặc biệt, anh luôn coi mình là một người yêu nước.
Cổ họng Liu đã từng nghẹn lại khi anh xem duyệt binh mừng ngày Quốc khánh Trung Quốc, sự kiện chứng tỏ một quốc gia từng lạc hậu đã trở nên hùng mạnh thế nào. Anh nổi da gà khi xem bộ phim Chiến Lang 2, một bộ phim bom tấn Trung Quốc, kể về một chiến binh siêu anh hùng, một mình giải cứu những người đồng hương bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Gần đây, khi Trung Quốc đối mặt làn sóng công kích trên mạng xã hội, Liu cùng đông đảo những sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài tích cực lên tiếng bảo vệ quê hương. Anh lên án biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, coi đây là âm mưu chia cắt đất nước Trung Quốc thống nhất. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, Liu lên Twitter để “uốn nắn” những người dùng cách gọi này.
“Tôi từng là một tiểu phấn hồng thực thụ”, Liu thừa nhận khi bàn đến cụm từ được dùng để chỉ những người trẻ Trung Quốc yêu nước, sử dụng internet là chiến trường chống lại những ai chỉ trích, miệt thị quê nhà.
Nhưng bi kịch đã đến với Liu, khi anh phát hiện tổ quốc của anh không muốn anh trở về, trong lúc anh cần quê hương nhất.
Bi kịch của Liu không phải là ca hiếm, anh chỉ là một trong nhiều người Trung Quốc bị mắc kẹt ở trời Tây giữa lúc Covid-19 bùng nổ. Nguyên nhân bởi các chuyến bay bị hủy hoặc giá vé quá đắt, nhưng sâu xa nhất là chính quyền Bắc Kinh đã hạn chế các chuyến bay quốc tế đón người về nước, bởi họ sợ rằng những người như Liu sẽ mang virus Vũ Hán “hồi hương”.
Khi Liu và những sinh viên lên mạng hỏi tại sao họ không thể về nhà, thì những người Trung Quốc đại lục ở tổ quốc thân yêu của anh gửi yêu cầu “đừng quay lại”. Họ sợ sự xuất hiện của Liu sẽ làm hỏng tiếng vang của Trung Quốc trong việc ngăn dịch bệnh.
Liu và nhiều du học sinh Trung Quốc lần đầu phải đối diện với tình huống này, nhưng điều đó cho họ một trải nghiệm cay đắng. Họ – những “tiểu phấn hồng” bay bổng bấy nay trên bệ phóng được chính quyền tuyên truyền rằng, họ là những thành tố yêu nước đặt chân tại nước ngoài, giờ buộc phải chấp nhận một luật chơi thiểu số phải phục tùng đa số. Bất kể họ đã nói tốt về quê hương ra sao, thì oái oăm thay, giờ đây họ phải chấp nhận đứng chung nhóm với những người chỉ trích chính phủ và người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, những người họ từng “chiến đấu” trên internet.
Cú sốc này khiến những thành viên “tiểu phấn hồng” như Liu phải nghĩ lại về tình yêu với màu cờ tổ quốc. Giữa tháng 5, ở xứ người, Liu viết trên Weibo “”cảm xúc của tôi ngày càng phức tạp. Đất nước mà tôi yêu không muốn tôi quay trở lại”.
Trong một cuộc nói chuyện trên điện thoại với ký giả tờ NYTimes, Liu chia sẻ anh cảm thấy đau xót, tổn thương khi đọc những bài viết trên mạng xã hội chỉ trích các du học sinh. Đó như một sự phản bội. “Bạn thấy sao nếu một ngày có ai đó nói điều mà bạn rất tin tưởng không còn đúng nữa?”, Liu nói.
Có thể những người như Liu rồi sẽ làm lãnh đạo ở các doanh nghiệp, học viện và các tổ chức khác. Họ có thể vẫn nhắc đến những từ như “lòng yêu nước”, nhưng hẳn là từ nay đến đó, họ sẽ không còn ngây thơ tin vào những gì mà chính phủ của họ nói.
Điều tương tự với Liu cũng xảy đến với Daisy Leng, sinh viên năm 3 tại Đại học Troy ở Alabama. Nữ sinh bị mắc kẹt tại Mỹ viết trên Weibo, cô rất yêu đất nước và từng không ngừng chiến đấu với những ai dám bôi nhọ Trung Quốc. Song, 4 lần chuyến bay bị hủy vì hạn chế của chính phủ đã buộc cô nghĩ khác.
“Trái tim tôi đã trở lên lạnh lẽo”, Leng đăng bài lên mạng xã hội kèm theo biểu tượng trái tim tan vỡ.
“Tiểu phấn hồng” – Ai tạo ra họ?
Vậy rốt cuộc “Tiểu phấn hồng” là những ai? Theo NYTimes, Liu và Leng là hai trong số hơn 1,4 triệu sinh viên Trung Quốc sống ở nước ngoài kể từ ngày 2 tháng 4 năm nay, với gần một phần ba ở Hoa Kỳ.
Hàng triệu sinh viên này được tính là thuộc về thế hệ có tinh thần dân tộc lớn nhất kể từ khi Trung Quốc mở cửa với thế giới hơn 4 thập kỷ trước. Họ được nhà nước tuyên truyền rằng đã sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ thịnh vượng nhất của Trung Quốc, bởi thế, hãy biết ơn vì điều đó. Họ được thuyết giảng những gì thuộc về niềm tự hào dân tộc. Họ không tiếp nhận các tư tưởng nước ngoài dù tiếp xúc với văn hóa và ngôn ngữ của nước đó. Họ hầu như chỉ sử dụng mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là WeChat, dù đang sống ở nước ngoài.
Vậy thực sự ai đã phiên tên họ vào đội ngũ những “tiểu phấn hồng”? Theo bài viết của tác giả Lê Phan, thì tờ The Economist số ra hôm 13 tháng 8 năm 2016 có một bài mang cái tên “The East is Pink” để nói đến một phong trào mới mang tên “tiểu phấn hồng” trong giới thanh niên ở Trung Quốc. Cái tên này nghe êm tai, nhưng đối với người ngoại quốc là một thanh âm khó chịu dành cho đám thanh niên “ái quốc” mới của Hoa lục, thường dùng Internet để làm bãi chiến trường cho lòng yêu nước, đôi khi tập trung vào văn hóa pop để khuấy động sự ủng hộ.
Những ai đã từng sống dưới thời “hồng vệ binh” của Cách mạng Văn Hóa sẽ thấy tiểu phấn hồng đáng sợ. Họ được coi như là hồng vệ binh thời nay, cũng như những học sinh, sinh viên đã bùng nổ bạo động trong Cuộc Cách Mạng Văn Hóa cách đây 50 năm. Nhiều người nghĩ nói như vậy là quá, nhưng họ vẫn coi tiểu phấn hồng như là một trào lưu xấu xí, một dạng kiểu Trung Cộng cho sự thô bỉ hóa đối thoại online.
Họ có thể kéo lên cáo buộc Leon Dai, tài tử người Đài Loan, là ủng hộ cho độc lập cho Đài Loan vì ông xuất hiện trong cuộc biểu tình chống lại một thỏa thuận mậu dịch tự do với Hoa lục mấy năm trước. Khi bà Thái Anh Văn, chính trị gia Đài Loan thuộc đảng Dân Tiến, vốn có khuynh hướng ủng hộ độc lập, được bầu làm tổng thống, tiểu phấn hồng đã đổ vào tràn ngập trang Facebook của bà để chỉ trích…
Đầu năm 2020, khi virus Corona đã lan rộng ở nước ngoài, “tiểu phấn hồng” liền đăng bài trên mạng nói rằng: “Corona cố lên”, và sau đó họ lan truyền tin đồn rằng tổng thống Brazil đã bị nhiễm dịch, còn trao tặng cho ông vinh dự “Dũng cảm giành vị trí chính khách đầu tiên được chẩn đoán trên thế giới”.
Đối với nhiều người, ngay cả ở Đại lục, những hành động dạng “nổi điên” của “tiểu phấn hồng” khiến họ thấy phản cảm. Nhưng, theo nhận xét của The Economist, trên quan niệm phổ biến của chữ “tiểu phấn hồng”, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc đã ca ngợi nhóm này là những nhà ái quốc. Tổ chức này tuyên bố trên trang chính thức của mình nói những nữ “tiểu phấn hồng” là “con em chúng ta, các cô thiếu nữ mà chúng ta mơ tưởng.” Nhiều cô gái khi đó tự tuyên bố mình là “tiểu phấn hồng” như là một vinh dự. Một cô tuyên bố trên trang Weibo của Đoàn: “Chúng tôi cộng sức mạnh với sự dịu dàng, và yêu đất nước một cách khôn ngoan.”
Tất nhiên, đáp lại sự nhiệt tình của những “tiểu phấn hồng’, theo ký giả Li Yuan của NYTimes, Bắc Kinh từng luôn biết cách khuấy động tinh thần yêu nước của họ. Một trong những câu chuyện thành công của nó là ở phim Chiến lang 2. Ở bộ phim đã từng làm những người như Liu nghẹn ngào, ở phần cuối, sau một cảnh quay dài của cựu chiến binh Trung Quốc tại một quốc gia châu Phi vẫy cờ của đất nước mình, một câu được gõ từng chữ trên mặt sau của cuốn hộ chiếu Trung Quốc màu đỏ: “Công dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đừng bỏ cuộc khi bạn gặp nguy hiểm ở nước ngoài! Hãy nhớ rằng, đằng sau bạn là một quê hương mạnh mẽ!”.
Song giờ đây, khi những “tiểu phấn hồng” bị mắc kẹt ở nơi xứ lạ, những dòng chữ này trở nên rỗng tuếch và đắng ngắt. Chỉ mới hôm 26/6, Bắc Kinh lại ra thêm chỉ lệnh từ chối hàng ngàn công dân Trung Quốc tại Mỹ hồi hương. Đó quả là một sự lạnh lẽo dội vào những trái tim người tha hương như Liu và các “tiểu phấn hồng”. “Trong thế giới thực, không có chiến lang nào tới giải cứu bạn”, một du học sinh Trung Quốc ở Nhật Bản cay đắng viết trên Weibo.