Bị khủng bố bằng mắm tôm nhiều ngày, báo công an xong bị tạt nặng hơn
Một gia đình liên tục bị tạt mắm tôm khủng bố, mặc dù không liên quan đến chuyện mượn tiền nợ nần ai. Sau khi báo công an giải quyết còn bị tạt nặng hơn.
- Một gia đình ở TP. HCM bị tạt sơn liên tục dù không vay mượn, nợ nần ai
- Con trai vay tiền rồi đi làm xa, mẹ ở nhà phải dọn mắm tôm, sơn người lạ ném
Theo báo Người Lao Đông, ngày 4/6, Công an TP. Pleiku (Gia Lai), đang điều tra việc nhà ông N.H. (trú phường Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) bị ném chất bẩn là mắm tôm pha sơn đỏ vào nhà, một tháng bị ném 3 lần.
Ông N.H cho biết, vào đầu năm 2020, con rể ông là Thái Văn Đức (SN 1989, trú phường Yên Thế, TP. Pleiku) có làm ăn với ông Trần C.T, chủ tiệm cầm đồ B.T (phường Yên Thế TP. Pleiku) và nợ số tiền lớn. Sau đó, ông T nhiều lần đòi tiền nhưng anh Đức chỉ trả số tiền rất nhỏ.
Ngày 15/1, ông T. cùng 1 người khác tới nhà đánh anh Đức gây thương tích, anh Đức đã bỏ trốn khỏi nhà sau đó. Nhiều tháng nay không thấy anh Đức, ông T. thường xuyên cho người càn quấy, khủng bố tinh thần, yêu cầu ông H. và anh Đức trả nợ.
Ông H. đã giải thích rõ việc làm ăn, nợ nần của anh Đức không liên quan đến mình. Hơn nữa, con gái ông và anh Đức đã ly hôn, ông không còn quan hệ nào với anh Đức nữa.
Tuy vậy, đến ngày 7/2, ông T. cho ô tô đậu trước cửa nhà, không cho gia đình ông H. ra vào, các ngày sau thì liên tục ăn, ở, đi vệ sinh trước cửa nhà.
Ngày 11/5, ông T. cho nhóm thanh niên đến nhà la lối. Đến khi ông H. điện báo Công an TP. Pleiku can thiệp thì nhóm này mới rời đi. Nhưng mới đây khoảng 4 giờ sáng 3/6, nhà ông H. tiếp tục bị ném mắm tôm pha sơn đỏ vào nhà.
“Đã nhiều tháng nay, gia đình tôi luôn sống trong lo âu, mệt mỏi. Chúng tôi đâu có vay mượn tiền của ông T mà bắt tôi phải trả. Con gái tôi cũng đã ly hôn với anh Đức, chúng tôi không còn quan hệ gì nữa” – ông H. nói.
Theo ông H. bị nhóm đối tượng càn quấy, khủng bố ông đều báo cơ quan công an tới giải quyết. Nhưng công an chưa giải quyết dứt điểm thì các đối tượng vẫn tiếp tục ném chất bẩn vào nhà.
Xử lý những trường hợp tạt sơn và chất bẩn như thế nào?
Theo Tuổi Trẻ, TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Tùy từng trường hợp cụ thể, tùy tính chất, mức độ mà xử lý khác nhau.
Nếu đối tượng tạt sơn, chất bẩn vào nhà người khác với mục đích đe dọa để đòi nợ hoặc chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản.
Nếu vì mâu thuẫn cá nhân mà cố tình ném chất bẩn vào nhà gây thiệt hại tài sản của người khác thì có thể bị xử lý về tội hủy hoại tài sản.
Tuy nhiên, do hành vi mới có dấu hiệu mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên rất khó xử lý trên thực tế.