Bộ Ngoại giao Indonesia mới đây đệ đơn phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia trên biển Đông suốt hai ngày.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cho biết Jakarta đã trao công hàm phản đối và yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc tại đây giải thích về vụ việc. 

“Chúng tôi nhắc lại với phó đại sứ Trung Quốc rằng vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc”, Faizasyah nói và nhấn mạnh rằng chính phủ Indonesia “không công nhận đường chín đoạn của Trung Quốc” vì nó vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, đồng thời bác bỏ các yêu sách về “quyền lịch sử” phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Sự cố xảy ra ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia Bakamla cho biết tàu Trung Quốc đã ở EEZ của Indonesia từ ngày 12/9 đến 11h30 ngày 14/9.

Bakamla nói rằng tàu tuần tra của Indonesia đã bám theo tàu hải cảnh Trung Quốc và “tranh cãi qua sóng vô tuyến”, buộc tàu Trung Quốc rời Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nước này vào khoảng trưa 14/9.

“Lực lượng hải cảnh Trung Quốc nói rằng họ đang tuần tra trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều này và khẳng định đây là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”, phát ngôn viên của Bakamla, ông Wisnu Pramandita, cho biết.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đây là vụ việc mới nhất trong hàng hoạt vụ xâm phạm EEZ Indonesia của tàu đánh cá và tàu hải cảnh Trung Quốc.

Trước đó hồi tháng 1, Indonesia đã triển khai tàu chiến tuần tra và chiến đấu cơ gần quần đảo Natuna sau khi các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển gần đó.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, cho biết vụ việc là “một thách thức” đối với Indonesia. Ông Koh nhận định Indonesia cần “một chiến lược mạnh mẽ hơn” để tập hợp “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các bên khác ngoài khu vực có cùng chí hướng” nhằm lên án “các hành động cưỡng chế” như vậy.