PetroVietnam đã ký thỏa thuận mua lại cổ phần từ tập đoàn Repsol của Tây Ba Nha tại ba lô thăm dò dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế VN vốn đã không hoạt động được 3 năm nay do sức ép từ Trung Quốc.

Có thể nói Repsol đã hóa giải thành công cuộc xung đột với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giảm thiểu rủi ro bởi cuộc xung đột lãnh thổ trên biển Đông, theo bình luận trên trang Archyde.

Năm 2018 dưới sức ép từ phía Trung Quốc, Repsol đã phải ngưng dự án cá rồng đỏ tại lô 07/03 mặc dù nắm 52% cổ phần vì yêu cầu của đối tác Việt Nam. Sau đó Repsol đã tham gia các cuộc đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để nhận bồi thường vì lệnh ngừng hoạt động từ trên. Ước tính vào thời điểm đó tổng thiệt hại của các nhà đầu tư vào khoảng 200 triệu đô la.

Xung quanh động thái mới của Repsol giáo sư Úc, Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Đông Nam Á, nhận định: 3 năm nay Trung Quốc đã thành công trong việc đe doạ Việt Nam và các đối tác kinh doanh buộc phải từ bỏ các quyền lợi trên Biển Đông vốn được luật pháp quốc tế công nhận. Quyết định trả lại ba lô thăm dò (135-136/03 và 07/03) chỉ là hệ quả tất yếu vì trong hai năm qua Repsol đã không tiến hành được hoạt động thương mại nào liên quan đến các dự án này.

Theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các mỏ khí trong các lô này vì chúng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng Trung Quốc đã thành công trong việc đe dọa Việt Nam vào tháng 7 năm 2017 và lần nữa vào tháng 3 năm 2018. Phía Việt Nam đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác lô dầu đang được Repsol tiến hành trong các khối 07/03 và 136/03. Kể từ đó Việt Nam đã không dám tiến hành bất kỳ hoạt động gì tại các lô này nữa.

Theo giáo sư Carl Thayer các lô dầu khí mà Repsol vận hành được ước tính chứa khoảng 5 tỷ mét khối khí tự nhiên, 45 triệu thùng dầu thô và 2,3 triệu thùng dầu thô nhẹ. Nguồn khí đốt và dầu thô này có thể góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam.

Với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam việc đình chỉ khai thác dầu tại Biển Đông để làm hài lòng “đồng chí tốt, láng giền tốt” là một quả đắng đối với nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán.